Liên quan đến sự cố sạt lở thủy điện Rào Trăng 3, sáng 14/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra thông báo chính thức về vụ việc xảy ra ở khu vực Thủy điện Rào Trăng 3. Hiện nay số người mất tích là 30 người, bao gồm 17 công nhân của thủy điện Rào Trăng 3 và nhóm 13 người tham gia cứu hộ bị sự cố sạt lở lại Trạm quản lý bảo vệ rừng 67 vào hồi 0h ngày 13/10.
Sau khi Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân thống nhất phương án tiếp cận Thủy điện Rào Trăng 3 bằng đường không, sáng 14/10, Trực thăng của Sư đoàn 372 đã cất cánh vào khu vực sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3.
Thủy trường công trình Thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: T.X.
Mặc dù phải thực hiện nhiệm vụ trong thời tiết diễn biến phức tạp, song sau 30 phút cất cánh từ Sân bay Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, Trực thăng Mi-171 của Trung đoàn 930 đã tiếp cận vào khu vực Thủy điện Rào Trăng 3. Đây là khu vực hẻm núi, tầm nhìn hạn chế do sương mù.
Một khu lán trại của công nhân ở Thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: NLĐ
Trực thăng tiếp cận ở độ cao khoảng 30 mét và thả một số nhu yếu phẩm cho những người đang mắc kẹt gồm: Mì tôm, lương khô, nước lọc và một số vật tư y tế thiết yếu khác.
Sở Chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn cứu hộ đặt tại trụ sở UBND xã Phong Xuân, huyện Phong Điền cũng đã huy động chó nghiệp vụ để nhanh chóng cứu nạn cứu hộ 30 người bị mất liên lạc.
Khu vực trên thủy điện Rào Trăng 3 mênh mông nước được Trực thăng Mi-171 ghi lại. Ảnh: NLĐ
Trong sáng nay, 2 chiếc xe vận tải cỡ lớn của lữ đoàn công binh 414 - Quân khu 4 cũng đã đưa hàng chục chiến sĩ vào khu vực hiện trường cứu nạn thủy điện Rào Trăng 3.
Bộ đội được tăng cường vào Rào Trăng 3 và 4 để cứu hộ cứu nạn. Ảnh: NLĐ
Sáng 14/10, hàng trăm lực lượng chức năng cùng phương tiện, thiết bị tiếp tục tiến về khu vực các nhà máy thuỷ điện Rào Trăng để cứu hộ cứu nạn. Toàn bộ kế hoạch này do quân đội chủ trì.
Ảnh: NLĐ
Theo nguồn tin trên Tuổi trẻ, chiều 14/10, ông Phan Thiên Định, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, 19 người là công nhân đang mắc kẹt ở nhà máy Thủy điện Rào Trăng 4 đã được lực lượng chức năng đưa bằng canô về bờ. Sức khỏe của nhóm người này tạm ổn.
Đến 14h30 ngày 14-10, đội cứu hộ bằng canô vẫn tiếp tục ngược dòng sông Bồ lên Thủy điện Rào Trăng 4 để tìm kiếm, cứu hộ những người còn kẹt lại.
Thấy các chiến sĩ vất vả, mưa gió lũ lụt mua thức ăn cũng khó khăn nên nhóm chị em trong hội phụ nữ xã Phong Xuân cùng người dân 2 xã Phong Xuân, Phong Mỹ đã tổ chức nấu cơm tặng các chiến sĩ đang làm công tác cứu hộ cứu nạn. Ảnh: Tuổi trẻ
Cùng ngày, nhóm phụ nữ 2 xã Phong Xuân và Phong Mỹ đã tập trung tại trường tiểu học Phong Mỹ để cùng hỗ trợ, phụ các chiến sĩ bộ đội nấu ăn chuyển vào cho hơn 600 chiến sĩ, lực lượng cứu hộ cứu nạn vụ sạt lở đất tại thủy điển Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế).
Người dân chở vịt đến tặng các chiến sĩ bộ đội. Ảnh: TT
Không chỉ góp vật phẩm, nhiều chị em còn mang xoong nồi, bếp, các dụng cụ để hỗ trợ lực lượng hậu cần. Có chị nghỉ làm tới phụ làm rau, gọt quả, nấu cơm, xào thịt...
Mỗi người một tay, một chân nên chỉ trong buổi sáng hơn 100 suất cơm được đóng hộp sạch sẽ, ngăn nắp chuyển đến các chiến sĩ làm nhiệm vụ.