- Hà Nội: Bị giật iPhone 5, thiếu nữ đuổi nhầm kẻ cướp
- Hiếu Hiền trần tình chuyện vợ bị tố "cầm nhầm" điện thoại
Về tội danh cụ thể, người nói tội chiếm giữ trái phép tài sản, người bảo tội trộm cắp tài sản…
Vụ vợ một diễn viên nổi tiếng bị tố “cuỗm iPhone 5 của người quen ở TP Rạch Giá, Kiên Giang” đang được nhiều người bàn luận. Do chiếc điện thoại trị giá gần 20 triệu đồng như lời trình bày của người chủ nên có ý kiến cho là vụ này buộc phải xử hình sự. Tuy nhiên, cũng có ý kiến ngược lại là chỉ nên giải quyết dân sự vì người “cầm nhầm” đã đồng ý bồi thường 17 triệu đồng…
Không phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại
Trao đổi với chúng tôi, nhiều luật sư cũng cho rằng vụ việc có dấu hiệu phạm tội hình sự. Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Khi mượn điện thoại của người quen là ông Đinh Văn Tiến để chụp ảnh thì lẽ ra sau khi chụp ảnh xong chị L. phải trả lại, đằng này chị L. lại bỏ vô túi của mình.
Cứ cho là chị L. vô tình chứ không cố ý nhưng khi ông Tiến phát hiện nếu chị trả lại cho ông ấy thì mới coi là cầm nhầm. Đã thế, khi ông Tiến đòi lại thì chị L. cố ý không trả mà lại đưa cho em trai sử dụng. Chừng khi bị chụp số sêri, mã số máy để làm bằng chứng tố giác thì người em này đã bán điện thoại.
Vấn đề quan trọng là chiếc điện thoại mà chị L. lấy của ông Tiến trị giá hơn 10 triệu đồng và hành vi phạm tội của chị đã hoàn thành kể từ lúc ông Tiến đòi lại điện thoại nhưng chị không trả.
Chị L. tại cơ quan công an. Ảnh: CTV
Cũng theo luật sư Hoan, vì các tội xâm phạm sở hữu không thuộc trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại quy định tại Điều 105 BLTTHS nên kể cả ông Tiến có đơn bãi nại thì chị L. vẫn có thể bị khởi tố. Trường hợp chị bồi thường cho ông Tiến số tiền 17 triệu đồng khắc phục hậu quả thì đây chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS.
Tương tự, luật sư Trương Quang Dân (Đoàn Luật sư TP.HCM) nêu thêm: Ngoài tình tiết giảm nhẹ theo quy định trên, chị L. còn có thể có thêm hai tình tiết giảm nhẹ khác là phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Do vậy nếu bị khởi tố và chưa phạm tội lần nào thì chị L. có thể được hưởng án treo theo Điều 6 của Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP.
Tội nào mới đúng?
Riêng về tội danh thì hai luật sư lại có sự khác nhau. Theo luật sư Hoan, hành vi của chị L. đã đủ yếu tố cấu thành tội chiếm giữ trái phép tài sản theo khoản 1 Điều 141 BLHS. Theo điều luật này, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp… có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng… bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Trong khi đó, luật sư Dân đưa ra hai giả định: “Từ thông tin nêu trên báo Pháp Luật TP.HCM, nếu chính chị L. mượn điện thoại rồi sau đó dùng thủ đoạn gian dối để lấy luôn thì có dấu hiệu cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 140 BLHS. Tội này có mức phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Hành vi gian dối ở đây là chị L. đã bỏ chiếc điện thoại đó vào giỏ xách, khi chủ nhân chiếc điện thoại hỏi có cầm nhầm không thì chị L. bảo là không, rồi sau khi biết em mình dùng điện thoại đó để xài và rồi bán đi mà chị L. vẫn không tự nguyện thông báo lại cho chủ nhân chiếc điện thoại đó.
Trường hợp chị L. không mượn điện thoại nhưng sau đó đã có hành vi lén lút lấy chiếc điện thoại bỏ vào giỏ của mình mang về thì hành vi này cấu thành tội trộm cắp tài sản theo Điều 138 BLHS. Tội này có mức phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Theo THANH MẬN - KIM PHỤNG