Người thân của những người đào tẩu phải đi đến biên giới Triều Tiên - Trung Quốc, dùng một sim điện thoại lậu của Trung Quốc để sử dụng tín hiệu viễn thông trên sông Áp Lục.
Trung Quốc là lối thoát duy nhất của những người muốn rời khỏi đất nước, với nhiều người đã trốn thoát thành công đến Hàn Quốc, đây còn là con đường sống để gửi tiền về cho gia đình vẫn còn ở Triều Tiên.
Theo Tổ chức Ân xá quốc tế, những người ở Triều Tiên thường phải đi bộ qua các khu vực miền núi vào ban đêm chỉ để có một cuộc nói chuyện điện thoại ngắn ngủi với người thân.
Khoản tiền mà những người Triều Tiên gửi về nhà là khác nhau nhưng một cuộc khảo sát năm 2016 với 200 người đào tẩu của tờ Chosun ở Seoul cho thấy khoảng 60% trong số này trả lời đã gửi 900 USD - 1.800 USD mỗi năm thông qua các đại lý ở Trung Quốc và Triều Tiên.
Một người trong số đó cho biết đã gửi 9.000 USD một năm. Khoảng 70% cho biết họ chuyển tiền thường xuyên.
Một bà mẹ khoảng 50 tuổi nói với tờ South China Morning Post rằng bà đã gửi 3.000 USD cho con trai ở Triều Tiên năm ngoái và đã gửi 2.000 USD từ đầu năm đến nay.
Bà cho biết, con bà dùng một thẻ điện thoại Trung Quốc để gọi điện cho bà vài lần một năm để xác nhận các khoản tiền được chuyển, và bà chỉ có thời gian rất ít ỏi để hỏi thăm về cuộc sống của con trai. Những lần liên lạc thường rất chóng vánh và mạo hiểm.
"Chúng tôi không thể gửi tin nhắn còn các cuộc điện thoại phải thật ngắn gọn", bà kể lại, và thêm rằng, câu chuyện giữa 2 mẹ con thường bắt đầu bằng câu: "Mẹ, gửi thêm tiền cho con được không?".
Khoản tiền bà gửi cho con trai được chuyển qua một mạng lưới những người môi giới Trung Quốc và Triều Tiên. Những người môi giới này sống ở Triều Tiên và có tài khoản ở ngân hàng Trung Quốc.
Chợ đen ngày càng phát triển ở Triều Tiên. Ảnh: SCMP.
Trong mạng lưới cũng bao gồm cả những người buôn lậu, mang tiền qua biên giới, cùng với một số mặt hàng lậu khác từ Trung Quốc sang.
Các hoạt động này là phi pháp và nguy hiểm ở cả Triều Tiên lẫn Trung Quốc nên tiền phí mà những người môi giới đòi là khá cao, thường khoảng 1/3 số tiền mà họ nhận chuyển.
Một người đào tẩu khác cho biết, bà nhận được cuộc gọi hồi tháng trước từ con gái ở Triều Tiên vì cần tiền để chữa trị cho một thành viên gia đình đang bị ốm.
Người đào tẩu này cho biết, thông qua các cuộc nói chuyện điện thoại, bà cảm thấy rằng điều kiện cuộc sống đã tốt hơn khoảng thời gian những năm 1990 nhưng giá lương thực tăng vọt. Bà cho biết 1kg ngô nhập khẩu từ Trung Quốc có giá tương đương với 5 tháng lương của một công nhân tại một nhà máy nhà nước.
Cũng vì tình trạng thiếu thốn nhu yếu phẩm ở Triều Tiên, những người Hàn Quốc thường sẽ mang một số đồ cần thiết để tặng cho người thân ở Triều Tiên trong mỗi lần gặp mặt.
Ông Baik, người sẽ gặp con dâu và cháu gái cho biết, ông đã mang theo quần áo, 30 đôi giày, bàn chải đánh răng, thuốc đánh răng làm quà.
"Tôi cũng mang theo 20 cái thìa nữa", ông nói.
Minh Khôi