Tin mới

Xác "cụ" rùa được bảo quản bằng phương pháp hiện đại nhất thế giới

Thứ tư, 23/03/2016, 15:26 (GMT+7)

Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, "cụ" rùa sẽ được bảo quản bằng phương pháp nhựa hóa. Đây là phương pháp hiện đại nhất thế giới hiện nay trong bảo quản xác động vật.

Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, "cụ" rùa sẽ được bảo quản bằng phương pháp nhựa hóa. Đây là phương pháp hiện đại nhất thế giới hiện nay trong bảo quản xác động vật.

Bảo quản theo phương pháp nhựa hóa

Mới đây, Hà Nội đã chốt phương án bảo quản lâu dài xác "cụ" rùa theo phương pháp nhựa hóa. Theo TS Phan Kế Long, Phó Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, nhựa hóa là phương pháp hiện đại nhất thế giới hiện nay trong bảo quản xác động vật.

TS Trương Xuân Lam, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho rằng so với phương pháp bảo quản ướt hay phương pháp làm khô giống tiêu bản rùa ở đền Ngọc Sơn thì phương pháp này có ưu điểm hơn nhiều. Nó có thể bảo quản nguyên trạng từ hình thái, màu sắc của "cụ" rùa, kể cả những phần khó như mắt và diềm mai (cấu tạo bằng sụn), báo Tiền Phong đưa tin.

Sẽ bảo quản cụ Rùa bằng cách nhựa hóa. (Ảnh minh họa)

Ông cho rằng hương pháp bảo quản ướt (ngâm "cụ" rùa trong dung dịch cồn) cũng có thể bảo quản nguyên trạng "cụ" rùa nhưng bất tiện vì phải thay dung dịch thường xuyên. Phương pháp làm khô tiêu bản như "cụ" rùa trong đền Ngọc Sơn thì khó bảo quản nguyên trạng. Một số bộ phận như mắt, diềm mai phải làm thay thế và phải kiểm tra định kỳ.

Bảo quản như thế nào?

Theo TS Phan Kế Long, bảo quản "cụ" rùa bằng phương pháp nhựa hóa sẽ tiến hành hút hết dịch trong mô của cơ thể, sau đó cố định các mô rồi thay dịch trong mô bằng một loại nhựa đặc biệt. Nhựa này khi bơm vào cơ thể sẽ thẩm thấu được vào các tế bào và làm khô lại, giữ nguyên cấu trúc cơ thể. Phương pháp này sẽ bảo quản nguyên trạng "cụ" rùa từ hình dáng, da, xương.

TS Phan Kế Long cho biết, loại nhựa dùng để bảo quản là bí quyết riêng của Đức. Họ chỉ cung cấp cho mình nhựa và quy trình làm. Vì vậy, để bảo quản được "cụ" rùa theo phương pháp này, phải mời thêm hai chuyên gia bảo quản hàng đầu của Đức.

Dự kiến cuối tháng 4, hai chuyên gia của Đức sẽ sang Việt Nam tư vấn, hướng dẫn bảo quản xác "cụ" rùa. Cùng hai chuyên gia Đức, nhiều chuyên gia tạo hình của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cũng sẽ tham gia vào quá trình bảo quản. Trước tiên, các chuyên gia sẽ tập trung vào việc tạo hình để "cụ" rùa nhìn đẹp nhất, sau đó thực hiện các bước bảo quản tiếp theo.

Trước đó, vào ngày 19/1/2016, "cụ" rùa được phát hiện chết, xác nổi trên mặt hồ, phía đường Lê Thái Tổ, đối diện số nhà 34 Lê Thái Tổ.

Sau khi "cụ" rùa qua đời, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã họp và thống nhất phương án chuyển xác "cụ" rùa về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để lưu giữ tại phòng lạnh của bảo tàng, chờ xử lý.

Rùa hồ Gươm có tên khoa học là Rafetus leloii, họ Ba Ba (Trionychidae) trong bộ Rùa (Testudines), lớp Sauropsida (Mặt thằn lằn). Trước đó, rùa hồ Gươm gồm có bốn cá thể nhưng có ba cá thể đã chết từ lâu (một được lưu trong đền Ngọc Sơn, một lưu trong kho của Bảo tàng Hà Nội và một đã chết năm 1962 - 1963 tại vườn hoa Chí Linh).

Theo giả thuyết của "nhà rùa học", PGS Hà Đình Đức, cụ rùa Hồ Gươm có thể có nguồn gốc từ Lam Kinh, Thanh Hóa, cùng quê với vua Lê Lợi, và được vua Lê thả vào hồ Gươm.
Người Việt Nam vẫn thường gọi rùa khổng lồ sống ở Hồ Gươm là "cụ" với hàm ý tôn kính. Đây cũng là biểu tượng gắn liền với truyền thuyết Gươm thần và lịch sử giữ nước, là một phần tâm linh đáng trân trọng.

Xem thêm:

[mecloud]vYnJl30SEP[/mecloud]

Tình Nguyên (TH)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news