Mặc dù quy định từ 1/6 tất cả các loại xe máy điện phải đăng kí lưu hành, song tình trạng xe máy điện không mang biển số chạy vô tư trên đường vẫn diễn ra thường xuyên, và các lực lượng chức năng cũng chưa xử lí mạnh tay các trường hợp Xe máy điện không biển này.
Xe không biển vẫn chạy vô tư
Tại Hà Nội, quan sát trên các tuyến đường nội thành ngày 1/6 (ngày đầu tiên xe máy điện tham gia giao thông mà không có đăng ký biển kiểm soát sẽ bị lập biên bản xử lý như với các trường hợp đi xe mô tô - PV), chúng tôi nhận thấy nhiều xe máy điện không biển kiểm soát thản nhiên đi trên đường như chưa hề có Thông tư 15 của Bộ Công an.
Phía lực lượng chức năng, các đội CSGT TP Hà Nội cho biết, đều đã có kế hoạch xử lý chuyên đề đối với xe máy điện, xe đạp điện. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, số vi phạm xử lý không nhiều. Sáng 1/6, trên đường Bà Triệu, tổ công tác thuộc Đội CSGT số 1 đã xử lý được hơn 10 trường hợp xe máy điện vi phạm. Trong đó có đến 2/3 số người vi phạm khẳng định không biết rằng xe máy điện buộc phải đăng ký biển số. Số ít còn lại tuy thừa nhận có biết quy định này nhưng lại thiếu hóa đơn đỏ hoặc giấy tờ mua bán nên chưa thể đi đăng ký.
Tại thị xã Sơn Tây, Trung tá Nguyễn Minh Tuấn, CSGT công an thị xã Sơn Tây khẳng định lực lượng chức năng tại đây mới chỉ tuyên truyền nhắc nhở người điều khiển xe máy điện những quy định về đăng ký xe, đội MBH chứ chưa tiến hành xử phạt.
Tại Thanh Hóa, Nghệ An, trên nhiều tuyến phố, xe máy điện không biển kiểm soát vẫn “vô tư” lượn lờ mà không bị bất kỳ lực lượng nào nhắc nhở và xử phạt. Theo Thượng tá Lương Xuân Bốn - Phó trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (Công an tỉnh Thanh Hóa), bắt đầu từ 1/6, cơ quan chức năng của tỉnh vẫn đang tích cực tuyên truyền Thông tư 15/2014 của Bộ Công an để người dân hiểu. Trong thời gian bắt đầu đăng ký mà người điều khiển xe máy điện không có biển kiểm soát khi lưu thông trên đường sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại TP HCM, nhiều tuyến đường thuộc quận 1, quận 3, Bình Thạnh có rất nhiều người điều khiển xe máy điện không biển số vẫn vô tư lưu thông, thậm chí người điều khiển còn không đội MBH. Một chiến sĩ CSGT đang làm việc tại điểm chốt trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) cho biết, việc xử phạt xe máy điện không biển số, đơn vị cũng có nghe quy định nhưng do chưa có hướng dẫn cụ thể nên chưa thực hiện.
Không đăng kí vì dân "không chịu" đi
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, hết ngày 31/5, chưa có người dân nào đến các điểm làm thủ tục đăng ký xe trên cả nước làm thủ tục đăng ký xe máy điện. Tại điểm đăng ký xe - Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) sáng 31/5, Trung tá Lê Minh Thu - Tổ trưởng Tổ Đăng ký xe cho biết: Trước khi Thông tư số 15/2014 của Bộ Công an có hiệu lực, Công an Hà Nội đã có buổi tập huấn cho công an các quận, huyện về các quy định, cũng như thủ tục đăng ký, cấp biển số mới theo mẫu cho xe máy điện. Hiện, các cơ sở sẵn sàng tiếp bà con đến làm các thủ tục đăng ký, cũng như cấp biển số cho xe máy điện. Tuy nhiên, thực tế trong mấy ngày gần đây tại cơ sở đăng ký xe Công an quận Bắc Từ Liêm không có bất kỳ người dân nào đến hỏi đăng ký xe máy điện.
Tại điểm đăng ký xe - Công an quận Ba Đình (Hà Nội), Trung úy Nguyễn Đình Tân - Đội CSGT trật tự phản ứng nhanh - Công an quận Ba Đình cho biết, trong mấy ngày gần đây không thấy có người dân nào đến hỏi làm thủ tục cũng như đăng ký xe máy điện.
Tại Thanh Hóa, Thượng tá Bốn cho biết, trên địa bàn TP Thanh Hóa số lượng xe máy điện lưu thông trên đường không nhiều. Đáng nói hơn, hiện vẫn chưa có ai đến đăng ký, nguyên nhân do khi mua, bán, người dân đã không có hóa đơn hay giấy tờ hợp lệ để làm thủ tục đăng ký.
Trong số các địa phương trên cả nước, TP HCM là nơi có nhiều người dân đến đăng ký xe máy điện nhất. Tuy nhiên, đến hết ngày 31/5, số xe máy điện đăng ký tại một trong những thành phố lớn nhất cả nước này vẫn chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Theo Thượng úy Lưu Minh Sĩ - cán bộ làm thủ tục đăng kí xe tại số 82 Nguyễn Thái Học (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1), những ngày qua chỉ có vài người quan tâm đến hỏi về thủ tục nhưng chưa đăng kí. Anh Sĩ cho biết, từ năm 2012 mới chỉ nhận được 5 hồ sơ xin đăng ký biển số cho xe máy điện. Trong khi đó tại Bình Thạnh cũng chỉ có một hồ sơ duy nhất.
Lúng túng phân biệt xe đạp, xe máy điện
Thực tế này được phóng viên ghi nhận tại nhiều địa phương trên cả nước. Thượng úy Nguyễn Minh Đức - Đội phó Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) cho biết, hiện thiếu căn cứ, giấy tờ để xác định phương tiện đó là xe máy hay xe đạp điện. Việc phân biệt chủ yếu chỉ dựa trên yếu tố có bàn đạp hay không.
Trung tá Lê Văn Cường - Đội trưởng Đội Đăng ký xe cơ giới, Phòng CSGT, Công an tỉnh Gia Lai cũng cho rằng, hiện có hai cách phân biệt hoặc bằng tốc độ, hoặc bằng bàn đạp. Nếu phân biệt bằng tốc độ, xe được chạy tốc độ trên 25km/h được coi là xe máy điện, còn thấp hơn là xe đạp điện. Tuy nhiên, không dễ để phân biệt được tốc độ của xe máy điện vì khó có thể kiểm định tốc độ của loại phương tiện này. Như vậy, chỉ còn cách nhìn bàn đạp.
Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện - Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật, tuyên truyền, điều tra và xử lý TNGT, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt khẳng định, đối với những trường hợp xe máy điện vi phạm các quy tắc giao thông như: Vượt đèn đỏ, không đội MBH… lực lượng CSGT vẫn xử lý bình thường. Còn các trường hợp xe máy điện mới mua, sau 30 ngày là phải đăng ký biển số theo quy định. Nếu sau 30 ngày chủ phương tiện không đưa phương tiện đi đăng ký, lực lượng CSGT sẽ xử lý theo quy định. Trong những ngày đầu thực hiện Thông tư 15, lực lượng CSGT sẽ tuyên truyền nhắc nhở là chính, để người dân hiểu và thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của mình khi đi đăng ký xe. |
Thắng Trần