Xôn xao vì "phát hiện" ba mẹ con "người rừng"
Những ngày này, đi đâu trên xứ Huế cũng nghe người dân bàn về chuyện "người rừng" đột ngột xuất hiện. Người ta nói, đó là cậu bé không tên, không tuổi, không hộ khẩu ở tại thôn Sư Lỗ, xã Lộc Điền (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Gọi là "người rừng" bởi cậu bé thường ăn cá sống, ăn lá cây, có sở thích trèo cây, hái lượm, có bước đi rất lạ, và ban đêm thường có những tiếng hú rất ghê rợn. Người dân còn kể rằng, đã hơn chục năm qua, cậu bé này chỉ khoác trên người mảnh vải rách rưới, không hề mặc quần, đầu trần, chân đất, sống khổ cực, thiếu thốn mọi thứ. Hễ thấy người lạ là cậu bé bỏ chạy.
Tuy nhiên, "người rừng" ở Huế không sống đơn độc mà có cả một đại gia đình "người rừng". Mới bước xuống bến xe, ông Phạm Văn Tuất (47 tuổi, lái xe ôm ở Ga Huế) đã rỉ tai chúng tôi: "Đi xem người rừng không, tui chở đi. Gia đình "người rừng" đó có ba mẹ con. Người mẹ tên là Minh, khoảng chừng hơn 40 tuổi, sinh sống với hai con rất hoang dã, mấy mẹ con thường xuyên cầu bơ cầu bất loanh quanh khu vực Truồi. Một đứa tóc đen, một đứa tóc vàng hoe, cao sàn sàn như nhau. Trong hai đứa có một đứa ăn mặc chẳng khác gì "Tazan" trong phim. Chú bé này có khi còn trèo lên đến đèo Phước Tượng, la hét, hú ré những âm thanh kinh khủng lắm...".
Ba mẹ con "người rừng".
Bà Nguyễn Thị Tý (68 tuổi), bán hàng nước gần đó cho biết thêm: "Tôi nghe mấy người bán cá ở khu vực Đá Bạc (huyện Phú Lộc) kháo nhau rằng thằng bé "người rừng" không mặc áo quần mà chỉ dùng lá cây "đắp" lên người, tóc dài phủ quá vai. Hàng ngày vào sáng sớm "người rừng" thường xuống sông bắt cá, cầm lên cười một lúc rồi nuốt gọn con cá sống vào bụng. Đêm khuya và buổi trưa khi mọi người đã ngủ thì cháu trèo lơ lửng trên ngọn cây dừa, hái trái mang về nhà ăn... Còn mẹ thằng bé thì nghe đâu khổ quá, đến nỗi mái tóc cũng cắt đem bán kiếm tiền đong gạo cho con".
Một đồn mười, mười đồn trăm, người dân xứ Huế ai nấy chộn rộn, bỏ công bỏ việc để chạy xe tới tận nơi để trực tiếp "chạm trán" người rừng. Một số người đến nơi, trông từ xa thấy một cậu bé nhảy lóc cóc, chui lủi trong bụi rậm. Em không mặc áo quần mà chỉ là những mảnh vải nhàu nát "dát" tạm lên người. Khi họ lên tiếng thì "người rừng" ngẩng vội đầu lên rồi vội vã quay đầu, co giò bỏ chạy mất hút vào rừng... Tin đồn cứ thế lan đi khiến "người rừng" Phú Lộc trở thành đề tài nóng bỏng nhất tại Huế trong suốt những ngày qua...
Sự thật về người rừng
Chiều 20/8, theo chân ông Nguyễn Ngọc Thành (trưởng thôn Sư Lỗ, chúng tôi đã tiếp cận được ngôi nhà của "người rừng". Trước mắt chúng tôi là căn nhà nhỏ, rách nát trên một bãi đất trống, vài cái quần thủng lỗ chỗ phơi trước cửa. Thấy chúng tôi, người mẹ vội vàng sửa lại trang phục cho chỉnh tề bằng cách mặc thêm một lớp áo khi chị đã mặc được... ba lớp áo giữa mùa hè oi bức.
Sau đó, người đàn bà cười bí ẩn, rồi hét lớn: "Nhỏ ra "dập phim" nhanh lên, ra mấy cô chú cho tiền rồi được lên tivi nữa kìa". Đứa trẻ nghe mẹ nói vội vàng chạy đi tìm anh của mình. Một lúc sau, cậu dẫn thêm một đứa trẻ nữa lật đật chạy về trong sự ngỡ ngàng của chúng tôi. Đó là một cậu bé, chừng 14, 15 tuổi mang trên mình độc manh áo cộc rách rưới và không mặc quần. Sau lưng ba mẹ con là một căn nhà không cửa lồng lộng gió. Trong đó chẳng có vật dụng gì đáng giá ngoài những cái chai dính đầy phèn để chứa nước cho sinh hoạt, ngôi nhà không điện, không ánh sáng và cũng không một chiếc giường để ngủ...
Ông Thành ngậm ngùi cho biết: "Người mẹ tên là Nguyễn Thị Thanh Minh, đứa trẻ mà mẹ nói gọi là nhỏ tên là Nguyễn Hiền (11 tuổi), còn cậu bé mà người ta nhầm lẫn là "người rừng" tên Nguyễn Hiếu (15 tuổi). Tội nghiệp mấy đứa nhỏ, chúng sinh ra trong một gia đình không trọn vẹn, mẹ ruột bị điên, bà ngoại và dì cũng mắc bệnh về thần kinh giống mẹ... Các cháu cũng chẳng biết cha mình là ai...".
Cậu bé người rừng không có quần áo để mặc.
Chị Linh, một người dân sống gần đó cho biết thêm: "Trước đây, khi còn tỉnh táo, chị Minh vẫn kiếm sống nuôi con bằng nghề buôn bán. Sau này căn bệnh trở nặng chị nghỉ bán hàng và bắt đầu có những biểu hiện ngớ ngẩn. Sống bên một người mẹ điên và bị di truyền căn bệnh tâm thần, cậu bé Hiếu cũng trở nên ngớ ngẩn và trầm cảm. Từ đó cậu không nhận thức được mọi thứ xung quanh và thường có những thói quen kỳ quái. Người lạ không biết mới nhầm cậu bé là "người rừng".
Ông Thành cho biết: "Có lần, chính quyền địa phương đề xuất xây nhà tình thương trị giá 30 triệu đồng cho gia đình chị Minh, cần sự có mặt của người anh ruột mới dám bỏ ngôi nhà cũ để xây nhà mới. Bởi chị Minh luôn giữ khư khư ngôi nhà với hai đứa con, dù có chết cũng chết trong ngôi nhà đó chứ chẳng chịu đi đâu. Thế nhưng địa phương đã kêu gọi nhiều lần nhưng anh ruột chị Minh vẫn không đến".
Theo người dân quanh vùng, chị Minh còn có người cha ruột đang định cư và làm ăn tại Mỹ, những người thân của chị vẫn còn sinh sống gần đó. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà họ lại quay lưng sống tách biệt với người thân của mình. Từ đó, đến nay, ba mẹ con chị Minh vẫn sống vật vờ gần con đường lên chùa Trúc Lâm Bạch Mã, ngồi vạ vật như những kẻ tứ cố vô thân, ai cho gì thì ăn đó, rất tội nghiệp.
Tuy nhiên, chúng tôi thật sự bất ngờ khi chứng kiến nhà vệ sinh do chính tay "người rừng" tự làm. Một căn nhà cỏ công phu mà mấy ai có thể làm được. "Anh cháu làm đó, để cả nhà đi vệ sinh. Nếu đã là "người rừng" thì sao lại có thể biết xây dựng vì đó đâu phải là một việc làm đơn giản ai cũng làm được. "Người rừng" mà cũng biết nghe lời mẹ, mỗi khi đi qua chợ, anh mặc áo quần gọn gàng, và mang dép, nhưng khi về đến nhà anh mới lấy cái áo rách cũ để mặc vào...", em Hiền ứa nước mắt nói.
Khi chúng tôi hỏi chị Minh có muốn cho Hiền được đến trường không, chị ngơ ngác, cười khờ khạo chẳng hiểu chúng tôi nói gì. Hiền nhanh nhảu chạy tới: "Có, có...Em muốn được đi học, để biết chữ rồi sau này đi làm thợ nề, đi xin việc làm để nuôi mẹ. Em muốn anh Hiếu hết bị điên, muốn mẹ hết bị điên và có nhà mới. ôm mẹ ngủ ấm nhưng muỗi nhiều lắm". Nghe những lời này thốt ra từ miệng đứa trẻ mới 11 tuổi đầu khiến chúng tôi ai nấy đều thấy xót xa, thương cảm.
Trời dần về chiều, dưới bếp Hiền vẫn đang cặm cụi nhóm lửa nấu nước uống. Trên tay cầm trái măng cụt một nửa đã bị thối nhặt ngoài chợ, em ngấu nghiến nhai lấy nhai để. Cuộc sống của họ cứ như thế từ ngày này qua ngày khác, bằng từng ổ bánh mì, gói xôi của hàng xóm, bằng những gói quà tình thương của chính quyền địa phương.... Nhưng tất cả vẫn chưa đủ để đưa gia đình họ thoát khỏi cuộc sống đói khổ này.
Nhận gạo nhưng từ chối đến bệnh viện
Ông Huỳnh Bình, Chủ tịch xã Lộc Điền cho biết: "Gia đình chị Minh vẫn có bảo hiểm và được hỗ trợ lương thực, nhưng họ chỉ nhận thức ăn còn những vấn đề về bảo vệ sức khỏe họ từ chối. Những đứa trẻ còn quá nhỏ, sau này lúc ốm đau bệnh tật ai sẽ là người đứng ra lo liệu và rồi tương lai của những đứa trẻ sẽ đi về đâu? Nhìn những đứa nhỏ không được học hành bình thường, lại bị điên dại, chúng tôi cũng xót lắm", ông Bình nghẹn ngào nói thêm.
Theo Đời sống & Pháp luật