Nhóm đối tượng lừa đảo hướng đến người già, trẻ em
Chiều tối ngày 5/7, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Họp báo thường kỳ cung cấp một số thông tin về hoạt động của Bộ, ngành thông tin và truyền thông.
Thông tin tại buổi họp báo, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết, trong 6 tháng đầu năm lừa đảo trực tuyến tăng mạnh (khoảng gần 65% so với cùng kỳ) với 24 hình thức lừa đảo trực tuyến khác nhau.
Ông Trần Quang Hưng- Tập sự Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin cho biết, những hình thức lừa đảo trực tuyến không có gì mới nhưng từ các số liệu thu thập được cho thấy điểm khác biệt lớn được đó là sự dịch chuyển rõ nhóm đối tượng lừa đảo hướng đến người già, trẻ em, sinh viên, công nhân, người thu nhập thấp.
Theo ông Hưng, các hình thức lừa đảo liên quan tài chính chiếm đa số. Với sự phổ cập điện thoại thông minh nhóm này bị lừa đảo mạnh nhất trong 6 tháng qua.
Mặc dù nhóm người dùng này được tiếp cận công nghệ nhưng khả năng năng nhận diện các dấu hiệu, hành vi lừa đảo còn hạn chế, chưa được cập nhật các hình thức lừa đảo mới nên các đối tượng lừa đảo tập trung vào để lừa đảo.
“Các nhóm đối tượng lừa đảo trực tuyến hiện nay không chỉ tập trung ở Việt Nam mà hình thành các tổ chức lừa đảo có tổ chức tập trung ở nước ngoài, trong đó có cả người Việt tham gia để lừa đảo trực tuyến”, ông Hưng cho hay.
Sự phát triển của công nghệ nhanh, mang lại nhiều lợi ích nhưng các đối tượng lừa đảo cũng lợi dụng tiện ích công nghệ để thực hiện các hành vi lừa đảo trực tuyến nhanh hơn, hiệu quả hơn, giống thật hơn và rất khó để nhận diện.
Đây là một trong những lý do Bộ TT&TT, Cục An toàn thông tin phát động chiến dịch nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến. Bên cạnh việc sử dụng các giải pháp công nghệ, để ngăn chặn lừa đảo trực tuyến, cần thúc đẩy tuyên tuyền thông tin về các hình thức, thủ đoạn lừa đảo đến càng nhiều đối tượng người dùng càng tốt để nâng cao cảnh giác.
Đây cũng là giải pháp gốc để xử lý lừa đảo trực tuyến trong lâu dài. Bởi các hình thức lừa đảo sẽ thay đổi liên tục do công nghệ ngày càng phát triển, hiện đại.
Một điểm mới được đại diện Cục An toàn thông tin chia sẻ, từ trước đến nay, người dùng luôn bị động trước các hoạt động lừa đảo trực tuyến.
Tuy nhiên, trong 6 tháng gần đây, người dân đã chủ động thông tin về hình thức lừa đảo. Đây là thông tin quý giá để cơ quan quản lý, an ninh mạng nắm được các hình thức lừa đảo sớm nhất, có biện pháp kịp thời để cảnh báo, ngăn chặn.
Bên cạnh đó, ông Hưng cũng cho biết thêm, cũng từ thông tin người dân cung cấp, trong khoảng 1 tuần qua, đang rộ chiến dịch lừa đảo trực tuyến người dân cài app nộp thuế.
Qua phân tích, cơ quan chức năng nhận thấy, không chỉ 1 app mà các nhóm đối tượng lừa đảo này sử dụng gần 195 hệ thống khác nhau để lừa người dân cài ứng dụng nộp thuế online để thực hiện dịch vụ công, giảm thuế… Từ đó lừa đảo lấy số tài khoản ngân hàng, lừa tiền người dùng.
Tăng cường kiểm soát các thiết bị BTS giả
Cũng tại buổi họp báo, Bộ TT&TT cho biết, tình trạng một số đối tượng sử dụng các trạm thu phát sóng giả để mạo danh tin nhắn tổ chức tài chính, ngân hàng lừa đảo người dùng vẫn tiếp tục tái diễn.
Các đơn vị chuyên môn của Bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện rà quét, phát hiện và xử lý kịp thời.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ có những giải pháp hiệu quả để phát hiện ngay khi các đối tượng lừa đảo bật thiết bị phát sóng giả mạo và có thể phối hợp với các cơ quan chức năng truy bắt các đối tượng nhanh nhất.
Ông Trần Mạnh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện thông tin, từ năm 2022 đến nay, đã có 24 vụ sử dụng thiết bị giả mạo trạm đốc di động được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý.
Riêng 6 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 15 vụ sử dụng thiết bị giả mạo trạm gốc di động. Trong đó, Bộ TT&TT đã phát hiện và phối hợp Bộ Công an bắt 11 vụ, Bộ Công an mở rộng điều tra bắt 4 vụ.
Theo phân tích của các chuyên gia, các thiết bị của trạm phát sóng giả phát tán tín hiệu đè lên sóng của các nhà mạng, khi đó thuê bao di động kết nối vào trạm phát sóng giả này không qua các nhà mạng. Các thiết bị giả có thể thực hiện hàng nghìn tin nhắn trong 1 phút.
Đặc biệt, trong nội dung tin nhắn rác thường gắn kèm các link lừa đảo, game độc hại, mạo danh website ngân hàng để lừa đảo…
Nguyên nhân xảy ra tình trạng này theo ông Tuấn do lỗ hổng bảo mật của mạng 2G, mạng di động này chỉ yêu cầu xác thực người sử dụng điện thoại nhưng không yêu cầu người sử dụng xác thực nhà mạng.
Các trạm BTS giả thường được nhập lậu vào Việt Nam, thiết bị rất nhỏ gọn nên các cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc kiểm tra, phát hiện.
Các thiết bị này cũng có thể sử dụng được trên các phương tiện cơ động như ô tô và xe máy nên rất thuận tiện để các đối tượng thực hiện hoạt động lừa đảo.
Khi phát triện các trạm BTS giả, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp tích cực với các đơn vị liên quan để ngăn chặn.
Theo đó, Bộ đã phối hợp với Bộ Công Thương tăng cường kiểm soát chặt chẽ đối với các thiết bị BTS giả, không cho phép các thiết bị BTS giả đăng bán trên thị trường, sàn điện tử;…
Bộ cũng chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương tăng cường thanh kiểm tra để phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết bị BTS giả.
Để ngăn chặn tình trạng này, thời gian gần đây, Bộ đã tìm được giải pháp có thể bắt đối tượng sử dụng BTS giả ngay trong quá trình đối tượng đang hoạt động.
Theo đó, ông Tuấn cho biết đã phối hợp với nhà mạng và cơ quan công an, khi trạm BTS giả hoạt động, nhà mạng sẽ biết và khoanh vùng được trạm giả này hoạt động khu vực nào.
Cục tần số vô tuyến điện sẽ định vị chính xác trạm giả này ở đâu và các cơ quan công an sẽ vây bắt đối tượng vi phạm. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan đơn vị thực hiện truy quét, phát hiện, xử lý tình trạng này.
Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong tháng 7/2023 bao gồm: Trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi. Xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2035. Xây dựng bản đồ công nghệ của các lĩnh vực.
Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng, sử dụng thông tin của người khác để đăng ký SIM thuê bao và xử lý tập thuê bao đứng tên nhiều SIM không đúng quy định (các chủ thuê bao sở hữu 10 sim/người trở lên). Hoàn thiện nền tảng đào tạo kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân chất lượng, thực chất.