Mới đây, theo báo Tuổi trẻ, Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an TP.HCM đã cảnh báo người dân trước thủ đoạn lừa đảo tinh vi mới xuất hiện. Theo đó, các đối tượng tội phạm công nghệ cao có thể giả danh làm nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử…
Những người này cho biết bản thân liên hệ người dùng để giải quyết sự cố, sau đó chúng sẽ yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp **21*# hoặc DS gửi 901. Đây là 2 cú pháp cần hết sức cẩn trọng với tin nhắn DS gửi 901 là cú pháp đổi SIM điện thoại qua phôi SIM trắng.
Những tội phạm công nghệ cao có thể thực hiện vụ lừa đảo bằng cách hướng dẫn, mời chào người dùng nâng cấp SIM điện thoại thành SIM 4G, 5G để người nhắn tin theo cú pháp trên. Ngay sau khi soạn tin nhắn trên, người dùng sẽ mất hoàn toàn quyền kiểm soát SIM của mình. Lúc này, "SIM chính chủ" đã thuộc về tay của kẻ lừa đảo. Từ đó, tội phạm có thể thực hiện hành vi phạm tội thông qua các thao tác truy cập vào ví điện tử, lấy mã OTP, ứng dụng thanh toán online một cách dễ dàng và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người dùng.
Theo Vietnamnet, cú pháp **21*số điện thoại kẻ lừa đảo#OK (lệnh theo giao thức USSD) là cú pháp chuyển hướng cuộc gọi (Call Forward). Cú pháp này cho phép thuê bao di động được chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại khác. Hình thức lừa đảo này tinh vi hơn bởi sau khi thực hiện thành công, thuê bao sẽ vẫn có sóng, nhận được tin nhắn SMS hay vào mạng bình thường.
Thể nhưng tất cả các cuộc gọi từ thời điểm đó sẽ bị chuyển hướng đến số điện thoại của kẻ lừa đảo mà chủ thuê bao không hề biết. Kẻ gian sẽ tận dụng điều này để chiếm quyền nhận cuộc gọi, đăng nhập vào các ứng dụng ví điện tử, tài khoản mạng xã hội... bằng cách nhấn Quên mật khẩu đăng nhập và chọn tính năng nhận cuộc gọi/tin nhắn thông báo mã OTP.
Ảnh minh họa