Tin tức mới nhất trên Dân Trí và Tuổi Trẻ cho hay kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ được tổ chức vào ngày 8/8/2020 với 3 điểm mới đáng chú ý:
1. Các đối tượng dự thi:
- Người đã hoàn thành chương trình THPT hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT (gọi chung là chương trình THPT) trong năm học 2019-2020.
- Người đã hoàn thành chương trình THPT hoặc đã dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT nhưng chưa tốt nghiệp THPT;
- Người học đã đỗ tốt nghiệp nhưng vẫn có nguyện vọng dự thi để lấy điểm xét tuyển vào ĐH, CĐ.
2. Tính điểm bài thi thành phần cho các thí sinh xét tuyển ĐH
Thí sinh dự thi THPT 2020 năm nay có nhiều điểm mới. Ảnh: Internet
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ được tổ chức thi 5 bài, gồm 3 bài thi độc lập Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổng hợp Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học xã hội (KHXH).
Bài thi tổng hợp KHTN gồm: các câu hỏi của 3 môn Vật lí, Hóa học và Sinh học;
Bài thi tổng hợp KHXH gồm các câu hỏi của 3 môn Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân (đối với thí sinh là học sinh Giáo dục THPT); gồm các câu hỏi của 2 môn Lịch sử, Địa lí (đối với thí sinh là học viên Giáo dục thường xuyên).
Theo đó, bài tổng hợp KHTN và KHXH có điểm toàn bài để xét công nhận tốt nghiệp THPT và điểm các môn thành phần phục vụ cho công tác tuyển sinh.
Thí sinh là học sinh giáo dục THPT phải thi 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổng hợp (KHTN hoặc KHXH);
Đối với các thí sinh là học viên Giáo dục thường xuyên (GDTX) phải thi 2 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổng hợp (KHTN hoặc KHXH). Thí sinh GDTX có thể dự thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Những bài thi Toán, Ngoại ngữ, KHTN và KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng, thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm; bài thi của thí sinh được chấm bằng máy tính với phần mềm chuyên dụng do Bộ GD&ĐT cung cấp. Bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.
Việc phân hóa mức độ khó sẽ giảm so với năm trước nhưng vẫn đảm bảo được phân loại học sinh nên các trường ĐH, CĐ có thể tham khảo, sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
3. Các địa phương chịu trách nhiệm coi thi, chấm thi
Những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ chịu trách nhiệm tổ chức Kỳ thi tại địa phương mình, từ những khâu in, sao đề thi, coi thi và chấm thi trắc nghiệm, chấm thi tự luận, phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp THPT theo quy định.
Bộ GD chỉ đạo tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra và thực hiện Quy chế thi trong tất cả các khâu của Kỳ thi tại địa phương.
Kết quả thi tốt nghiệp sẽ được đối sánh với điểm trong học bạ của các thí sinh nhằm đánh giá thực chất chất lượng giáo dục phổ thông và tính trung thực của kỳ thi tại các địa phương.