Tin mới

300 nhà khoa học làm việc suốt 5 năm để 'tóm sống quái vật dải Ngân Hà'

Thứ sáu, 13/05/2022, 16:15 (GMT+7)

Bức ảnh về "quái vật" ở trung tâm dải Ngân Hà lần đầu tiên được tiết lộ, mở ra một chân trời kiến thức về lĩnh vực này.

Các nhà khoa học đã chụp được hình ảnh đầu tiên của hố đen ở trung tâm dải Ngân Hà. Đây không chỉ là lần đầu tiên chúng ta nhìn thấy hình ảnh của siêu hố đen mang tên Nhân Mã A*, mà còn là bằng chứng trực tiếp đầu tiên cho thấy nó thực sự tồn tại.

Từ lâu, các nhà khoa học đã nghi ngờ thiên hà của chúng ta là nơi cư trú của một vật thể khổng lồ và hung bạo. Họ quan sát được các ngôi sao quay quanh thứ gì đó nhỏ gọn và to lớn ở trung tâm dải Ngân Hà. Thứ này hoạt động như một hố đen nhưng lại vô hình và không thể xác nhận.

Trong hình ảnh mới, bản thân hố đen vẫn vô hình vì nó tối đen hoàn toàn. Nhưng chúng ta lại thấy một vòng sáng rực rỡ chạy quanh. Các nhà nghiên cứu mô tả hố đen là "chất keo kết dính các thiên hà lại với nhau".

"Đó là chìa khóa để chúng ta hiểu cách dải Ngân Hà hình thành và phát triển trong tương lai", Ziri Younsi đến từ ĐH College London, một nhà nghiên cứu tại Event Horizon Telescope (EHT) mô tả bức ảnh.

Hố đen dải Ngân Hà
Hố đen dải Ngân Hà

Trước đó, vào năm 2019, các nhà khoa học đã công bố ảnh một hố đen có tên M87*, ở cách chúng ta 55 triệu năm ánh sáng và cũng do EHT chụp lại.

Để chụp được bức ảnh mới nhất, hơn 300 nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới đã phải làm việc 5 năm. Mặc dù Nhân Mã A* chỉ cách chúng ta 27.000 năm ánh sáng, nhưng nó vẫn giống như bạn chụp ảnh một chiếc bánh rán ở trên Mặt trăng.

Giờ đây, với 2 ví dụ về hố đen, các nhà khoa học có thể nghiên cứu sự khác biệt, so sánh và đối chiếu giữa 2 ví dụ. "Bây giờ chúng tôi có thể nghiên cứu sự khác biệt giữa 2 hố đen siêu khủng để thu được những manh mối mới có giá trị về cách thức hoạt động của quá trình quan trọng này", nhà khoa học Keiichi Asada của EHT (đến từ Viện Thiên văn và Vật lý thiên văn, Academia Sinica, Đài Bắc) cho biết.

"Chúng tôi có ảnh của 2 hố đen, một cái ở đầu lớn và một cái ở đầu nhỏ của những hố đen siêu lớn trong vũ trụ. Vì vậy, chúng tôi có thể tiến xa hơn trong việc kiểm tra xem trọng lực hoạt động như thế nào trong những môi trường khắc nghiệt như vậy".

Dù M87* là một trong những hố đen lớn nhất trong vũ trụ (lớn hơn hố đen Nhân Mã A* khoảng 1.000 lần) và nằm giữa một thiên hà rất khác thì chúng vẫn có cấu trúc rất giống nhau. Điều này chứng tỏ Einstein đã đúng và giúp chúng ta hiểu điều gì đang thực sự xảy ra trong cấu trúc các hố đen.

"Chúng ta có 2 loại thiên hà hoàn toàn khác nhau và 2 hố đen có khối lượng rất khác, nhưng ở gần rìa những hố đen này chúng lại giống nhau đến kinh ngạc", Sera Markoff, đồng chủ tịch Hội đồng Khoa học EHT cho biết. "Điều này cho thấy thuyết tương đối rộng chi phối những vật thể ở gần và bất cứ sự khác biệt mà chúng ta thấy cho đến nay đều là sự khác biệt về vật liệu bao quanh hố đen".

(Theo Independent)

>> Xem thêm: Cách chúng ta 740 triệu năm ánh sáng là một hố đen vũ trụ hoàn toàn khác biệt

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news