Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nồng độ khí nhà kính, mực nước biển dâng, sức nóng đại dương và axit hóa đại dương đều đã phá kỷ lục năm 2021. Báo cáo Tình trạng Khí hậu Toàn cầu năm 2021 cũng xác nhận 7 năm (từ 2015-2021) là thời kỳ ấm nhất kể từ sau cách mạng công nghiệp. Năm 2016 là năm nóng nhất được ghi nhận.
Tổng thư ký WMO, Giáo sư Petteri Taalas cho biết đây là bằng chứng cho thấy "khí hậu của chúng ta đang thay đổi ngay trước mắt". Ông nói rằng việc chúng ta thấy một năm nóng nhất chỉ còn là vấn đề thời gian.
Thời tiết khắc nghiệt đã tạo ra những cú sốc về lương thực và nước, khiến hàng triệu người phải di dời và gây thiệt hại kinh tế hàng tỷ USD vào năm 2021. Nhiệt độ toàn cầu đã tăng thêm 1,1 độ C so với thế kỷ 19, WMO tuyên bố.
Ngoài ra, báo cáo của WMO là một dấu hiệu rõ ràng khác cho thấy các hoạt động của con người đang gây ra những thay đổi trên đất liền, đại dương, trong không khí ở phạm vi toàn cầu. Điều này gây hại lâu dài đối với sự phát triển bền vững của hệ sinh thái.
"Khí hậu của chúng ta đang thay đổi ngay trước mắt. Nhiệt bị khí thải nhà kính do con người tạo ra giữ lại, làm ấm hành tinh cho nhiều thế hệ sau này. Mực nước biển dâng, sức nóng đại dương và quá trình axit hóa sẽ tiếp tục trong hàng trăm năm nữa, trừ khi các biện pháp loại bỏ carbon khỏi khí quyển được phát minh", Giáo sư Taalas nói. "Một số sông băng đã đạt tới điểm không thể quay trở lại và điều này gây ra những hậu quả lâu dài trong một thế giới có hơn 2 tỷ người gặp căng thẳng về nguồn nước".
Báo cáo của WMO xác nhận 7 năm qua là thời kỳ ấm nhất được ghi nhận. Năm 2021 "chỉ" là một trong 7 năm ấm nhất do sự kiện La Niña diễn ra vào đầu và cuối năm. Điều này có tác dụng làm mát tạm thời nhưng không thể thay đổi xu hướng tăng nhiệt độ chung.
Chỉ trích "sự thất bại thảm hại của nhân loại trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu", Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã nhân báo cáo của WMO để kêu gọi hành động khẩn cấp để "đạt được mục tiêu dễ nhất" để chuyển đổi hệ thống năng lượng thoát khỏi "ngõ cụt" của nhiên liệu hóa thạch.
Trong một thông điệp video, ông Guterres đã đề xuất 5 hành động khẩn cấp để bắt đầu chuyển sang năng lượng tái tạo. Đó là tiếp cận nhiều hơn với công nghệ và nguồn cung năng lượng tái tạo, tăng gấp 3 lần đầu tư (công và tư nhân) vào năng lượng tái tạo, chấm dứt trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch (khoảng 11 triệu USD/phút).
"Năng lượng tái tạo là con đường duy nhất dẫn đến an ninh năng lượng thực sự, giá điện ổn định và cơ hội việc làm bền vững. Nếu chúng ta cùng hành động, việc chuyển sang năng lượng tái tạo có thể là dự án hòa bình của thế kỷ 21", ông Guterres nói. Thế giới phải hành động trong thập kỷ này để ngăn các tác động ngày một xấu đi của khí hậu và giữ cho mức nhiệt tăng dưới 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, ông nói thêm.
Giáo sư Taalas nhấn mạnh cần phải làm nhiều hơn để giải quyết sự gia tăng hình thái thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu. Ông lấy ví dụ tình trạng khẩn cấp về hạn hán đang diễn ra ở vùng Sừng châu Phi, những trận lũ lụt gần đây ở Nam Phi và nắng nóng khắc nghiệt tại Pakistan, Ấn Độ.
"Các hệ thống Cảnh báo sớm là cực kỳ cần thiết để thích ứng với khí hậu. Tuy nhiên, hệ thống này chỉ có để cung cấp cho chưa đầy một nửa số thành viên của WMO", Giáo sư Taalas cho biết. "Chúng tôi cam kết đưa ra những cảnh báo sớm cho mọi người trong 5 năm tới, theo yêu cầu của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres".
(Theo Dailymail)
>> Xem thêm: Biến đổi khí hậu đe dọa hòa bình toàn cầu 10 năm tới