Liệu rằng “mối họa Trung Quốc” có đủ để Ấn Độ thay đổi Chính sách ngoại giao đầy hoài nghi của mình, tìm kiếm sự giúp đỡ từ Mỹ.
Một nghiên cứu của Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie lập luật rằng Ấn Độ và Mỹ nên hợp tác trong việc xây dựng tàu sân bay lớp Vikrant – tàu năng lượng hạt nhân nặng 65.000 tấn INS Vishal tiếp theo của New Delhi – dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2020.
“Cùng phối hợp với nhau để xây dựng con tàu này không chỉ tăng cường đáng kẻ khả năng chiến đấu của hải quân Ấn Độ mà còn củng cố mối quan hệ chiến lược giữa Mỹ và Ấn Độ một cách cực kỳ ngoạn mục trong nhiều thập kỷ tới”, Ashley J.Tellis, tác giả của nghiên cứu này nhấn mạnh.
Vào tháng 1/2015, cả 2 nước đã công bố một nhóm làm việc chung để chia sẻ thiết kế và công nghệ của tàu sân bay. Lầu Năm Góc đã chọn Chuẩn Đô đốc Thomas Moore, sĩ quan 2 sao điều hành chương trình trên tàu sân bay của Hải quân Mỹ, dẫn đầu phái đoàn Mỹ tới tham gia các cuộc thảo luận. Ấn Độ sẽ cử Chuẩn Đô đốc Surendra Ahuja, một cựu phi công thử nghiệm làm đại diện. Tuy nhiên, cho đến nay, nhóm này vẫn chưa gặp nhau.
Ông Tellis sử dụng thông báo nhóm làm việc này để chứng minh cho sự hợp tác gần gũi hơn giữa New Delhi và Washington. Ông đánh giá rằng Ấn Độ ngày càng cân nhắc về các mối liên hệ phòng thủ sâu sắc hơn khi mà mối đe dọa của hải quân Trung Quốc đặt ra tại Ấn Độ Dương ngày càng tăng.
Ở thời điểm hiện tại, không có nước nào đạt được lợi ích nhiều từ việc hợp tác với Mỹ trong thiết kế và đóng tàu sân bay như Ấn Độ khi mà thế thống trị của họ ở Ấn Độ Dương đang đối mặt với thách thức từ Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN). PLAN đã trang bị chiếc tàu sân bay đầu tiên vào năm 2012.
Liệu Mỹ có nên giúp Ấn Độ đánh bại Hải quân Trung Quốc? |
Tellis đưa ra 5 kiến nghị để các nhà hoạch định chính sách Mỹ xem xét:
- Khám phá khả năng trang bị hệ thống phóng máy bay diện tử (EMALS) trên tàu sân bay của Ấn Độ.
- Giúp Ấn Độ tiếp cận với nhiều hệ thống hàng không tiên tiến như máy bay quản lý chiến đấu và cảnh báo sớm trên không E-2C/D Hawkeye, siêu tiêm kích F-35C thế hệ 5. Điều này cho phép Hải quân Ấn Độ đảm bảo một lợi thế chiến đấu trước những máy bay của đối thủ.
- Xem xét việc thay đổi chính sách của Mỹ hiện nay để cho phép thảo luận về công nghệ đỏng cơ đẩy hạt nhân, tích hợp với công nghệ EMALS cho tàu sân bay thế hệ tiếp theo của Ấn Độ.
- Hỗ trợ hợp tác giữa Hải quân Ấn Độ và Bộ tư lệnh đặc trách Hệ thống Hải lực Hải quân Mỹ (U.S. Naval Sea Systems Command) và ngành công nghiệp tư nhân Mỹ thích hợp để thông qua thiết kế sản phẩm và kỹ thuật của tàu, thu thập những kinh nghiệm tốt nhất từ Mỹ trong sản xuất tàu sân bay và phối hợp để thử nghiệm trên biển trước khi đưa tàu vào vận hành.
- Khuyến khích ký kết các hợp đồng tư vấn và biên bản ghi nhớ giữa nhà máy đóng tàu Ấn Độ và ngành công nghiệp của Mỹ để hỗ trợ Ấn Độ trong việc kết hợp các kỹ thuật sản xuất tiên tiến khi xây dựng tàu san bay boong lớn mới.
Một số kiến nghị, như Ấn Độ mua lại F-35C có thể được loại bỏ ngay lập tức vì Ấn Độ vẫn gắn liền với dự án máy bay tiêm kích đa chức năng (PMF) và, mặc dù thất bại, Ấn Độ cũng không từ bỏ.
Tuy nhiên, những kiến nghị khác như trang bị cho tàu sân bay của Ấn Độ hệ thống EMALS có vẻ thực tế hơn. “Tôi lạc quan về việc hợp tác với họ trong kế hoạch này”, Frank Kendall - Thứ trưởng quốc phòng phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần của Mỹ nói với Reuters.
Ngược lại, bất chấp tất cả lời nói hoa mỹ, cốt lõi của vấn đề vẫn là không có tầm nhìn chiến lược chung giữa 2 nước. Một mình mối họa Trung Quốc sẽ không đủ để thuyết phục một đất nước có chính sách đối ngoại đầy hoài nghi như Ấn Độ cần phải có sự hợp tác sâu rộng hơn với Mỹ với nguy cơ bị Bắc Kinh xa lánh.
Vì thế, một khi New Delhi và Washington không thể gắn kết lợi ích cốt lõi tại châu Á với nhau thì triển vọng cùng hợp tác cũng rất mong manh.
Bảo Linh (tin tức Thediplomat)