Tờ National Interest của Mỹ vừa liệt kê 5 nước có lực lượng lục quân mạnh nhất từ nay cho tới năm 2030 gồm Ấn Độ, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc.
Chuyên gia quân sự Robert Farley đã lấy 3 tiêu chí gồm khả năng tiếp cận các nguồn lực quốc gia, sự hỗ trợ hiệu quả của các cơ quan chính trị mà không ảnh hưởng tới tính độc lập của tổ chức, kinh nghiệm tác chiến trong các điều kiện thực tế để xếp hạng các lực lượng lục quân mạnh nhất từ nay đến 2030.
Xe tăng lục quân Mỹ. Ảnh: Military |
Lục quân Ấn Độ
Theo ông Farley, đến năm 2030 lực lượng lục quân Ấn Độ có thể đứng ngang hàng với những lực lượng bộ binh tinh nhuệ nhất thế giới. Lục quân Ấn Độ đã trải qua nhiều chiến dịch với cường độ tác chiến cao ở cả trong và ngoài nước, đặc biệt là việc giao tranh với quân đội láng giềng Pakistan. Tất cả đã khiến cho đội quân này lớn mạnh, trở thành công cụ hiệu quả trong Chính sách đối nội và đối ngoại của quốc gia.
Điểm yếu của lục quân Ấn Độ là trang bị vũ khí còn kém, lạc hậu so với một số đối thủ trong khu vực. Nhưng hiện nay, New Delhi đã tiếp cận được với hầu hết công nghệ quân sự hiện đại trên thế giới. Việc mua vũ khí từ Nga, châu Âu, Israel và Mỹ đã giúp tổ hợp công nghiệp quốc phòng Ấn Độ phát triển mạnh mẽ. Trong tương lai, lục quân Ấn Độ sẽ còn được tiếp cận với nhiều công nghệ hiện đại hơn nữa và trở thành một trong những đội quân hùng mạnh vào năm 2030.
Lục quân Mỹ
Lục quân Mỹ được xem là lực lượng bộ binh "tiêu chuẩn vàng" kể từ sau năm 1991. Từ đó tới nay, lực lượng bộ binh này chủ yếu tham gia các chiến dịch tại Iraq và Afghanistan còn lực lượng đặc nhiệm thì được gửi tới những chiến trường xa hơn.
Trong tương lai, lục quân Mỹ sẽ tiếp tục được đổi mới công nghệ. Hầu hết những trang thiết bị từ thời Chiến tranh Lạnh đã được nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn tác chiến hiện đại.
Lục quân Mỹ được trang bị số máy bay trinh sát không người lái lớn nhất thế giới hiện nay. Ngoài ra, họ còn có 15 năm kinh nghiệm chống khủng bố và hàng loạt chiến dịch khác. Đến năm 2030, đây vẫn được xem là lực lượng bộ binh mạnh nhất thế giới.
Lục quân Trung Quốc
Kể từ những năm 90, Lục quân Trung Quốc đã trải qua quá trình cải cách và đang tham vọng trở thành một lực lượng bộ binh hiện đại.
Lục quân Trung Quốc đã tiến hành hiện đại hóa trang thiết bị, huấn luyện trên thực địa và từng bước chuyên nghiệp hóa. So với Mỹ, lục quân Trung Quốc không được đầu tư nhiều bằng nhưng họ có lợi thế về nguồn lực gần như không bao giờ bị hạn chế.
Tuy nhiên, lục quân Trung Quốc thiếu kinh nghiệm thực chiến. Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề xướng chương trình cải tổ, tiến hành hiện đại hóa về vũ khí trang bị và hệ thống chỉ huy để đưa lục quân Trung Quốc đuổi kịp Mỹ và các đối thủ.
Lục quân Pháp
Đây vẫn được xem là lực lượng tinh nhuệ, thiện chiến nhất so với các nước châu Âu còn lại do Pháp đóng vai trò quan trọng trong nền chính trị thế giới. Trong tương lai, Pháp sẽ nắm quyền kiểm soát lớn hơn trong bộ máy an ninh châu Âu nên càng cần xây dựng một đội quân hùng mạnh.
Pháp có nền công nghiệp quốc phòng lớn mạnh cả trong xuất khẩu và cung cấp nội địa. Lục quân Pháp được trang bị hệ thống liên lạc và chỉ huy hiện đại, là nòng cốt của lực lượng đa phương của EU. Họ cũng được trang bị nhiều thiết bị công nghệ hiện đại dùng cho các hoạt động tác chiến hiện đại như xe tăng và pháo binh.
Đội quân này của Pháp còn có kinh nghiệm tác chiến trong các cuộc chiến cường độ thấp đến vừa phải như chống khủng bố tại Afghanistan và Bắc Phi. Ngoài ra, họ còn được hỗ trợ từ thủy quân lục chiến và không quân.
Lục quân Nga
Sau chiến tranh Lạnh, Lục quân Nga suy yếu do không tiếp cận được các nguồn lực, suy giảm ảnh hưởng chính trị, thiếu nhân lực.
Ngoài ra, các tổ hợp công nghiệp quốc phòng từng hậu thuẫn Hồng quân Liên xô sụp đổ khiến trang thiết bị của lực lượng này trở nên ít ỏi, lạc hậu.
Nhưng đến khi nền kinh tế Nga phục hồi, lục quân Nga đã được đầu tư bài bản hơn. Cuộc cải cách, đặc biệt trong lực lượng tinh nhuệ đã giúp Nga giành được chiến thắng tại Chechnya, đánh bại quân đội Gruzia vào năm 2008 và sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Hiện Lục quân vẫn đóng vai trò trung tâm trong chính sách quản lý của Nga đối với các nước láng giềng. Đến năm 2030, lục quân Nga vẫn là lực lượng tinh nhuệ dù phải đối mặt với vấn đề tiếp cận công nghệ, nguồn nhân lực. Các nước láng giềng vẫn phải tiếp tục dè chừng trước sức mạnh và quy mô của lục quân Nga trong thời gian dài.
Bảo Linh (tổng hợp)