Bệnh cúm là tình trạng nhiễm vi rút đường hô hấp cấp gây sốt, đau đầu, ho, đau họng và đau cơ, rất ít khi gây kích ứng dạ dày hoặc nôn. Khi tiếp xúc với người bị cúm càng lâu thì nguy cơ bị lây nhiễm cúm càng cao.
Thông thường, người mắc bệnh cúm mùa có thể hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ em, người lớn tuổi hay những người mắc bệnh tim, phổi, thận mạn tính, mắc bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch,... thì bệnh cúm mùa có thể diễn biến nặng hơn, dễ gây biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí là tử vong.
Dưới đây là 6 biện pháp giúp phòng bệnh cúm hiệu quả:
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân hàng ngày, thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhất là sau khi ho, hắt hơi, che mũi miệng bằng khăn khi hắt hơi. Súc miệng, nhỏ mũi bằng dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang nơi đông người.
- Tăng cường sức khỏe cá nhân bằng cách: Ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ và tập thể dục thể thao hàng ngày.
- Vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Thường xuyên lau chùi bề mặt đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, gia cầm bệnh/chết. Hạn chế tới những nơi tập trung đông người, khu vực đang có dịch cúm. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm bệnh/chết và không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi cần tiếp xúc với người bệnh, gia cầm bệnh/chết phải mang các trang bị phòng hộ như đeo kính, đeo khẩu trang y tế, rửa tay bằng xà phòng.
- Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
- Tiêm vắc xin cúm hàng năm là cách tốt nhất để tránh bị bệnh.
Một số thực phẩm giúp phòng ngừa bệnh cúm hiệu quả: Tỏi, sữa nghệ, mật ong, gừng, quả hạnh nhân, trái cây giàu vitamin C, rau xanh...