Tin mới

7 người hùng cứu cả thế giới khỏi nạn diệt vong

Thứ năm, 18/12/2014, 10:40 (GMT+7)

Không phải là những nhân vật anh hùng với sức mạnh phi thường trong các bộ phim bom tấn của Hollywood nhưng 7 thường dân dưới đây lại là những người thực sự đã cứu cả thế giới khỏi nạn diệt vong.

 

Không phải là những nhân vật anh hùng với sức mạnh phi thường trong các bộ phim bom tấn của Hollywood nhưng 7 thường dân dưới đây lại là những người thực sự đã cứu cả thế giới khỏi nạn diệt vong.

Stanislav Yevgrafovich Petrov ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô

Hãy thử tưởng tượng bạn là đại tá của Lực lượng Phòng không Liên Xô và bỗng một ngày hệ thống cảnh báo hạt nhân sớm của trung tâm chỉ huy rung lên, báo hiệu rằng Mỹ đã bắn một quả tên lửa nhắm thẳng vào đất nước mình. Hầu hết chúng ta sẽ gọi cho cấp trên để cảnh báo họ và chạy ngay tới hầm trú ẩn gần nhất một cách nhanh nhất có thể.

7 người hùng cứu cả thế giới khỏi nạn diệt vong

May mắn là, Stanislav Yevgrafovich Petrov có một cái đầu lạnh trong trường hợp tương tự diễn ra năm 1983. Sau khi kiểm tra lại tình huống trên, ông quyết định báo cáo lại rằng đây là một lời cảnh báo giả, giúp ngăn chặn một cuộc trả đũa hạt nhân dẫn đến chiến tranh có thể xảy ra trên toàn cầu.

Petrov có thể không nhận được huân chương từ các nhà lãnh đạo Xô Viết khi đó nhưng ông sớm trở thành một hiện tượng được lan truyền rộng rãi trong dân chúng nước Nga thời đó với biệt danh “Người đàn ông cứu cả thế giới”.

Vasili Alexandrovich Arkhipov ngăn chặn khủng hoảng tên lửa Cuba

Thông thường có rất nhiều sự mập mờ khi một cuộc chiến đang diễn ra và điều đó đặc biệt đúng với thời kỳ Chiến tranh Lạnh khi cả hai bên đều cố ý chờ phản ứng của bên còn lại để bắt đầu cuộc chiến. Cũng giống như trường hợp của Stanislav Yevgrafovich Petrov kể trên, sĩ quan hải quân Liên Xô, Vasili Alexandrovich Arkhipov đã giữ một cái đầu lạnh và ngăn chặn được một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Mỹ và Liên Xô.

7 người hùng cứu cả thế giới khỏi nạn diệt vong

Năm 1962, trong thời kỳ căng thẳng của cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, tàu ngầm hạt nhân của Arkhipov bị các lực lượng của Mỹ phát hiện và bị bao vây bởi 11 tàu khu trục và một tàu sân bay Mỹ. Khi các lực lượng Mỹ bắt đầu gây áp lực để buộc tàu ngầm của Liên Xô nổi lên trên mặt nước nhằm mục đích nhận dạng. Do con tàu nằm quá sâu dưới nước nên không thể kiểm soát được tần sóng radio, nên các binh lính trong tàu nghĩ rằng chiến tranh đã thực sự bắt đầu.

Thuyền trưởng của tàu ngầm khi đó là Valentin Grigorievitch Savitsky, tin chắc rằng họ đang bị tấn công và muốn phóng một quả ngư lôi hạt nhân vào các lực lượng Mỹ. May mắn là quyết định này phải được sự đồng ý của ba sĩ quan khác trên tàu mới có thể thực hiện được. Trong khi thuyền trưởng Savitsky và sĩ quan chính trị Ivan Semonovich Maslennikov tán thành thì Arkhipov lại phản đối. Cuối cùng, Arkhipov đã thuyết phục những người khác cho tàu nổi lên trên mặt nước và chờ lệnh từ Moscow, tránh được một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Năm 2002, giám đốc của Cục An ninh quốc gia Nga đã nói lời cảm ơn Arkhipov trước công chúng và khẳng định “ông chính là người đã cứu thế giới”.

James Blunt ngăn chặn cuộc chiến giữa Nga và NATO

Hiện giờ, James Blunt là một nhạc sĩ thành công nhưng quay trở lại năm 1999, ông là một sĩ quan người Anh phục vụ tại chiến trường Kosovo. Sau khi nhận lệnh đánh chiếm một sân bay, ông gặp phải một tình huống khó khăn bởi quân Nga trước đó đã lấy được khu vực này. Cấp trên của James Blunt yêu cầu ông tấn công binh lính Nga nhưng ông đã từ chốidù biết mình sẽ phải chịu sự trừng phạt vì làm trái quân lệnh. Blunt lúc đó tin rằng nếu tấn công các lực lượng Nga trên danh nghĩa NATO thì đó sẽ là nguyên nhân dẫn đến một cuộc chiến tranh thực sự.

7 người hùng cứu cả thế giới khỏi nạn diệt vong

May mắn là, tướng Mike Jackson đã ủng hộ quyết định của James và tuyên bố: “Tôi không muốn binh lính của mình phải chịu trách nhiệm cho một đại chiến thế giới lần thứ 3”.

Quyết định của James thực sự đã trở thành một suy nghĩ đúng đắn vì chỉ một vài ngày sau, quân đội Nga đồng ý chia sẻ khu vực mình đóng chiếm để đổi lấy nước uống và lương thực.

Edward Jenner phát minh ra vaccine và đẩy lùi bệnh đậu mùa

Dù được dùng để phòng chống bệnh gì thì vaccine cũng giúp cứu hàng tỷ mạng sống của con người, bao gồm cả những cái chết vì bệnh đậu mùa nhờ có loại vaccine mà Edward Jenner tìm ra. Đậu mùa xuất hiện trên thế giới từ 100.000 năm trước công nguyên và chỉ hoàn toàn bị xóa sổ vào năm 1977.

Cuối những năm 1700, Edward Jenner đã có một phát hiện mang tính đột phá. Ông nhận thấy rằng những người mắc bệnh đậu mùa gia súc thì miễn dịch với bệnh đậu mùa ở người. Dù trước đó một vài nhà khoa học đã phát hiện ra điều này nhưng các nỗ lực cố gắng tiêm chủng để giúp con người phòng tránh bệnh đậu mùa cuối cùng lại khiến họ mắc bệnh.

7 người hùng cứu cả thế giới khỏi nạn diệt vong

Jenner đã phát triển thành công loại vaccine đầu tiên chống bệnh đậu mùa vào năm 1796 bằng cách tiêm cho các bệnh nhân một mẫu bệnh đậu mùa gia súc. Ngay lập tức, cách chữa trị của ông đã được áp dụng trên toàn thế giới và một số nước đã sản xuất vaccine hàng loạt. Và khi khoa học phát triển cùng với sự phát triển của hệ thống giao thông vận tải, bệnh đậu mùa đã trở thành một vấn đề ít lo ngại hơn và cuối cùng bị xóa bỏ năm 1977.

Trên thực tế, từ vaccine do Jenner nghĩ ra, sử dụng cụm từ tiếng Latin có nghĩa là bệnh đậu mùa ở bò. Năm 1881, Louis Pasteur đã đề xuất cụm từ vaccination để chỉ tất cả các loại tiêm chủng, chứ không chỉ riêng bệnh đậu mùa.

Có thể vào thời điểm bây giờ, khó hình dung được sức tàn phá khủng khiếp của bệnh đậu mùa nhưng vào những năm 1800, 400.000 người dân châu Âu đã chết mỗi năm và khoảng 500 triệu người đã thiệt mạng trong những năm 1990 vì căn bệnh này.

Jonas Salk, người chấm dứt bệnh bại liệt

Mặc dù sau cùng thế giới vẫn tồn tại cùng với virus bại liệt nhưng căn bệnh này thực sự vô cùng nguy hiểm và ảnh hưởng tới một phần lớn dân số toàn cầu. Salk là người đã ngăn chặn bệnh dịch này, vốn được ví là có thể làm chết nhiều người hơn cả “Cái chết đen” (Black Death) thời Trung Cổ.

Năm 1952, chỉ riêng tại Mỹ 3.145 người đã chết vì bại liệt và 21.269 người bị liệt vì căn bệnh này, hầu hết nạn nhân là trẻ em.

7 người hùng cứu cả thế giới khỏi nạn diệt vong

Jonas Salk bắt đầu nghiên cứu căn bệnh này từ năm 1948 khi Hiệp hội Quốc gia về bệnh liệt ở trẻ em thuê ông thống kê tổng số các loại virus bại liệt. May mắn cho loài người là nhà khoa học này không chỉ dừng ở việc nhận dạng các loại virus bại liệt mà ông đã nhận ra rằng thông tin này có thể giúp ích cho việc tìm ra một loại vaccine chữa bệnh. Thử nghiệm đầu tiên của ông được tiến hành trên quy mô lớn và cần sự giúp đỡ của 20.000 nhà vật lý và 1,8 triệu trẻ em.

Khi thông tin về việc thử nghiệm thành công loại vaccine vào năm 1955 được lan truyền, các quốc gia trên khắp thế giới ngay lập tức sử dụng loại vaccine này để tiêm phòng cho trẻ em. Ngày nay, bệnh bại liệt đang dần được xóa sổ, cũng giống như bệnh đậu mùa.

Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa trong sự cống hiến cho khoa học của Salk là việc ông từ chối nhận bất kỳ lợi nhuân cá nhân nào cho loại vaccine này, thậm chí cũng không hề giữ bí mật công thức của vaccine. Tạp chí Forbes ước tính Salk có thể dễ dàng kiếm được 7 tỷ USD cho phát minh của mình.

Norman Ernest Borlaug giúp cả thế giới khỏi… chết đói

Vào giữa những năm 1950, các nhà khoa học phát hiện ra một loại dịch bệnh có thể xóa sổ hàng triệu người trên thế giới, đó là nạn đói. Dù có một lượng nhỏ dân số thế giới luôn trong tình trạng bị đói nhưng do dân số ngày càng tăng nên lượng lương thực khó có thể đáp ứng kịp. Nhờ có bước tiến lớn trong nông nghiệp do Norman phát minh ra mà việc cung cấp lương thực mới tỉ lệ thuận với sự gia tăng dân số.

7 người hùng cứu cả thế giới khỏi nạn diệt vong

Mọi việc bắt đầu khi Borlaug chấp nhận vị trí là giám đốc của Chương trình phát triển lúa mì quốc gia ở Mexico, tại đây ông nhận nhiệm vụ làm tăng năng xuất của lúa mỳ cho quốc gia. Khi dự án bắt đầu, Mexico đang phải nhập khẩu phần lớn lượng lúa mỳ tiêu thụ nhưng sau khi Borlaug tạo ra một giống lúa mỳ có thể cho năng suất cao và miễn nhiễm với hầu hết mọi loại bệnh dịch thực vật, Mexico đã trở thành một nước xuất khẩu lúa mỳ.

Không chỉ giúp ích cho một đất nước, nhà khoa học này di chuyển nghiên cứu của mình tới Ấn Độ, vốn đang trong nạn đói triền miên dù đã nhận một lượng hỗ trợ lương thực lớn từ Mỹ. Sau một số lần trì hoãn, giống lúa mỳ của Borlaug cuối cùng đã tới được đây và sớm đạt năng suất cao tại Nam Á. Pakistan, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng nhập khẩu giống lúa này.

Ấn Độ và Pakistan đều tăng gấp đôi năng xuất và có thể tự cung cấp đủ cho nhu cầu trong nước. Sự thành công của dự án này được gọi là “Cuộc cách mạng xanh” và Borlaug được nhắc đến như một “anh hùng cứu hàng tỷ mạng sống”.

Dù phải đối mặt với những chỉ trích từ các nhà môi trường học và dinh dưỡng học nhưng Borlaug cuôsi cùng cũng mang giống lúa mỳ của mình tới châu Phi. Borlaug là một trong số 7 người duy nhất trên thế giới nhận được giải Nobel hòa bình, huân chương tự do của Tổng thống và Huân chương vàng của Quốc hội. Ông còn nhận được danh hiệu Padma Vibhushan, huân chương cao quý hạng hai mà Ấn Độ trao cho các công dân.

Henrietta Lacks cung cấp loại tế bào làm thay đổi cả thế giới

Hầu hết những người trong danh sách này đều cố gắng tạo một tác động nào đó đối với xã hội nhưng Henrietta Lacks lại không hề có ý định giúp đỡ thế giới hay tạo ra một sự thay đổi nào đó. Mọi việc bắt đầu khi Lacks tới bệnh viện John Hopkins ở Baltimore sau khi bà bị ra máu sau khi sinh con. Sau khi được kiểm tra sinh tiết, bác sĩ phát hiện bà mắc bệnh ung thư cổ tử cung.

7 người hùng cứu cả thế giới khỏi nạn diệt vong

Lacks sau đó thường xuyên tới bệnh viện để điều trị và các bác sĩ đã lấy đi hai mẫu mô bệnh phẩm của bà, một khỏe mạnh và một nhiễm bệnh. Các tế bào ung thư bị lấy đi mà bệnh nhân không hề biết, cuối cùng được cất giữ trong phòng thí nghiệm và điều kỳ lạ là những tế bào này vẫn sống, trong khi của những người khác chỉ tồn tại được trong vài ngày.

Henrietta Lacks mất vào tháng 10/1951 nhưng tế bào của bà, được gọi là tế bào Hela, vẫn sống trong các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới, và khoảng hơn 20 tấn tế bào của bà đã được “nuôi dưỡng” và phát triển.

Vậy tế bào Hela đã giúp cứu thế giới như thế nào? Thực tế tế bào Hela là nhân tố quan trọng trong hàng loạt thành tựu y tế hiện đại, bao gồm vaccine chữa bệnh đậu mùa của Salk, nghiên cứu nhân bản vô tính, bản đồ gene, phơi nhiễm phóng xạ và hơn thế nữa. Các phương pháp chữa trị ung thư và bệnh AIDs cũng được thử nghiệm trên loại tế bào này. Tế bào Hela còn sản xuất ra các sản phẩm như mỹ phẩm, hồ dán, băng ghi âm… Mặc dù có hơn 11.000 bệnh nhân được chữa trị nhờ tế bào của bà Lacks nhưng gia đình bà không hề nhận được một khoản bồi thường hay lời xin lỗi vì đã lấy đi tế bào mà không được sự cho phép của bệnh nhân.

Tuệ Minh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news