Chiều 6/12, Á hậu Tú Anh bất ngờ xuất hiện tại sự kiện công bố 'Không gian áo dài Việt' đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Với phụ nữ Việt Nam, chiếc áo dài là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt tác. Ngoài vẻ đẹp trang nhã, thanh lịch, cách cấu tạo trên mỗi chiếc áo từ xa xưa còn ẩn sâu ý nghĩa về giáo dục nhân sinh quan, đạo làm người của các bậc tiền nhân. Không quá khi nói rằng: Áo dài là biểu tượng của bản sắc Việt - Tinh thần Việt.
NTK Lan Hương - Người đầu tiên được vinh danh Danh hiệu Nghệ nhân Áo dài Việt Nam đang mong muốn biến giấc mơ của hai mươi năm cống hiến và dành trọn tình yêu với tà áo dài truyền thống trở thành hiện thực khi lên ý tưởng tạo dựng một “Không gian Áo dài Việt” thành một địa chỉ du lịch văn hóa - trải nghiệm hấp dẫn.
Chiều 6/12, Á hậu Tú Anh bất ngờ xuất hiện trong trang phục áo dài truyền thống của dân tộc tại sự kiện công bố Cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch của Sở Du lịch Hà Nội cho Không gian áo dài Việt - Lanhuong Fashion House.
Á hậu Tú Anh xuất hiện nổi bật tại sự kiện với bộ áo dài truyền thống màu trắng |
“Không gian Áo dài Việt” không đi sâu vào vấn đề học thuật hay theo hướng phục chế Áo dài Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử mà ở đây, với mong muốn mang lại cho du khách một cách nhìn cảm quan nhưng tổng thể về tà áo truyền thống của người phụ nữ Việt.
Tú Anh và nghệ nhân Lan Hương |
Dựa trên nguồn tư liệu và hình ảnh xưa, tôn trọng và bảo tồn tính truyền thống, Nghệ nhân Lan Hương phác họa thiết kế bằng cảm xúc, bay bổng trong nghệ thuật và ưu tiên sử dụng lụa tơ tằm truyền thống trong nước - loại lụa được tôn vinh là nữ hoàng đứng đầu trong danh sách Lụa - Là - Gấm - Vóc. Trải qua thời gian, nét mềm mại, duyên dáng được kết tinh trên tà áo dài truyền thống đã góp phần tạo nên vẻ đẹp cho người phụ nữ Việt Nam.
Phần trưng bày, giới thiệu về Áo dài Việt Nam qua các thời kỳ với các mẫu thiết kế, đi từ Bộ y phục của Nguyên phi Ỷ Lan - Bà chúa Tằm tang (Thời Lý);Trang phục Áo dài xưa qua nghệ thuật điêu khắc Tượng Ngọc Nữ (Thời Trần) và Nam Phương Hoàng Hậu (Thời Nguyễn.);Yếm đào; Áo dài Thời Nguyễn Phúc Khoát: (Kiểu sơ khai nhất của chiếc áo dài xưa nhất là áo Giao Lãnh; Áo Tứ thân; Áo ngũ thân; Ấo dài Lemur; Áo dài Lê Phổ; Áo dài Trần Lệ Xuân; Áo dài những năm 1970 – 1980.
Áo dài đương đại: Phòng triển lãm: Nghệ nhân - NTK Lan Hương và con đường Thương hiệu,(sử dụng toàn bộ không gian trong nhà), giới thiệu các bộ sưu tập: Chuyên đề Áo dài theo từng chủ đề; Giới thiệu các bộ sưu tập thời trang.
Ngoài ra, đây còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa: Trình diễn Thời trang trong nước và Quốc tế, Trình diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống như nhạc cụ Dân tộc; Dàn nhạc tre - sáo trúc, CLB Ca trù Hà Nội, Sân khấu rối nước mini…), nghệ thuật trà: Biểu diễn cách pha trà và thú thưởng trà của người Hà Nội; cùng với các hoạt động cộng đồng: Giao lưu các Nghệ nhân làng nghề, các Nhà thiết kế thời trang, tổ chức lớp học Áo dài,...
Ngắm bộ sưu tập áo dài được trình diễn tại Không gian áo dài Việt chiều 6/12:
Hoàng Nguyễn