Theo VnExpress và Dân Trí, sáng 31/10, Sở chỉ huy tiền phương đóng tại tại huyện Phước Sơn họp bàn phương án tiếp tế lương thực cho người dân hai xã Phước Thành, Phước Lộc.
Do mưa lớn và sạt lở đất nhiều ngày qua, giao thông đến với hai xã này đã bị chia cắt, khoảng 3.000 người dân bị cô lập. Trong khi đó, xã Phước lộc 3 ngày trước đã xảy ra một vụ sạt lở đất, vùi lấp 11 người, hiện còn 6 người đang mất tích.
Đường bộ đến các xã bị sạt ở huyện Phước Sơn bị sạt lở nghiêm trọng, gây khó khăn trong công tác cứu hộ và tiếp tế. Ảnh: Dân Trí
Do bị chia cắt nên người dân ở các xã Phước Lộc, Phước Thành bắt đầu thiếu nhu yếu phẩm và lương thực, thực phẩm. Vì vậy cần lên phương án để tiếp tế, nhằm đảm bảo đời sống cho nhân dân.
Những điểm sạt lở trên đường đến các xã Phước Lộc và Phước Thành. Ảnh: Dân Trí
Hiện tại, máy bay trực thăng của đơn vị Không quân 372 đã sẵn sàng làm nhiệm vụ tiếp tế, cứu hộ và cứu nạn. Tuy nhiên theo Đại tá Nguyễn Việt Hùng, Phó trưởng phòng Quân huấn Không quân 372, điều kiện thời tiết mưa lớn, sương mù nhiều khiến máy bay chưa thể cất cánh.
Máy bay trực thăng của đơn vị Không quân 372 đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhưng chưa thể cất cánh vì điều kiện thời tiết bất lợi. Ảnh: VNE
Đường từ Sở chỉ huy tiền phương đến hiện trường thôn 6 khoảng 60 km, đã thông được một nửa, còn khoảng 30 km mới vào xã Phước Lộc và 10 km vào xã Phước Thành với dày đặc các điểm đất đá sạt lở.
Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Mạnh Hà, đề xuất phương án tập kết hàng tiếp tế rồi gùi cõng đường bộ đến khu vực giáp ranh với Phước Thành và Phước Lộc. Từ đây, lực lượng cứu hộ dùng tời bằng ròng rọc, đưa hàng lên đỉnh đồi để dân quân, lực lượng xung kích của xã tiếp nhận và gùi cõng về cho các thôn.
Ảnh: Dân Trí
"Do tình hình mưa lớn, vẫn còn nhiều điểm sạt lở nên lực lượng bên ngoài tạm dừng hành quân vào. Trước mắt tỉnh huy động dân quân và người địa phương quen đi rừng, am hiểu địa hình để gùi cõng lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu", ông Hà nói.
Đường vào hai xã Phước Lộc và Phước Thành bị sạt lở, nước chảy xiết. Ảnh: VNE
Sau khi bàn bạc, Ban chỉ huy tiền phương quyết định sẽ sử dụng lực lượng quân đội để tập kết hàng gồm nhu yếu phẩm, lương thực…. vào các xã Phước Công và Phước Kim. Sau đó sẽ sử dụng lực lượng tại chỗ và người dân địa phương thông thuộc địa hình, cõng hàng vượt núi cung cấp và cho nhân dân vùng bị cô lập.
Người dân xã Phước Công cõng lương thực, thực phẩm vào các vùng bị chia cắt. Ảnh: Dân Trí
Thượng tá Lê Trung Thành - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, thống nhất cả hai phương án trên, gồm sử dụng lực lượng tại chỗ khảo sát, thiết lập đường bộ vận chuyển hàng tiếp tế; đồng thời, Sư đoàn 372 triển khai bay khi thời tiết thuận lợi.
"Người dân ở hai xã đang rất khó khăn, nên hàng hóa tiếp tế càng nhiều cho dân càng tốt", ông Thành nói và cho hay tỉnh Quảng Nam đã cấp 100 tấn gạo cho hai xã bị cô lập. Hiện 50 tấn gạo đã lên tới huyện Phước Sơn và 50 tấn sẽ tiếp tục vận chuyển trong ngày hôm nay.