Sự việc xảy ra vào năm 2015, một anh nông dân có tên James Bristle khi đang làm việc trên cánh đồng nhà mình ở thị trấn Lima, hạt Washtenaw, phía Nam bang Michigan (Mỹ) bỗng đào phải một thứ gì đó khá cứng. Ban đầu, anh ta chỉ tưởng đó là hàng rào uốn cong đã bị vùi lấp lâu ngày nhưng thực tế, đây lại là phát hiện giúp giới khoa học phải trầm trồ.
Cố gắng đào xuống sâu hơn nữa, anh ta càng thấy nó không nhỏ như tưởng tượng. Cuối cùng, biết rằng đây là dấu hiệu đáng ngờ nên anh quyết định báo với các nhà chức trách. Ngay lập tức, sự kiện đã thu hút truyền thông và các nhà khoa học ghé thăm, tìm hiểu.
Thứ kỳ lạ này không phải dùng cuốc mà đào được, các nhà khoa học đã phải huy động một chiếc máy xúc đến hiện trường để làm nhiệm vụ. Thì ra, thứ mà James đụng trúng không phải hàng rào mà chính là di cốt của một con voi ma mút khổng lồ, sống cách đây khoảng 15.000 năm.
Ba tảng đá có kích thước bằng những quả bóng rổ được tìm thấy bên cạnh di cốt voi được đặt giả thiết có thể do người xưa sử dụng để cố định con vật vào một cái ao. Phát hiện này khiến giới khoa học một lần nữa phải kiểm tra lại những giả thuyết trước đó về việc người Bắc Mỹ tồn tại trước cả thời đại Clovis - được cho là cách đây 13.000 năm.
Được biết voi ma mút và mastodon, một sinh vật giống voi khác, là loài rất phổ biến ở Bắc Mỹ trước khi biến mất khoảng 11.700 năm trước. Thống kê cho thấy có khoảng 300 con mastodon và 30 con voi ma mút đã được phát hiện ở Michigan. Tuy nhiên, hầu hết di cốt của các con voi ma mút đều không hoàn chỉnh như bộ di cốt được tìm thấy ở cánh đồng của anh James.
Chia sẻ với báo chí về phát hiện bất ngờ của mình, James tâm sự anh đã mua cánh đồng vài tháng trước đó, khi đang cày cuốc thì phát hiện nên cũng vô cùng ngạc nhiên. Hiện phần còn lại của con vật đã được các nhà nghiên cứu của trường Đại học Michigan làm sạch và kiểm tra các vết cắt để chứng minh tác động của con người.
Với phát hiện đặc biệt này, đây sẽ là căn cứ để làm sáng tỏ sáng tỏ chính xác thời gian con người đến châu Mỹ, hiện vẫn đang là một chủ đề tranh luận nảy lửa giữa các nhà khảo cổ.