Măng tây được xem là loại rau thần dược bởi chứa nhiều chất dinh dưỡng, chất xơ, đạm, glucid, các vitammin K, C, A, pyridoxine (B6), riboflavin (B2), thiamin (B1), acid folid, rất tốt cho sức khỏe của Bà bầu và thai nhi.
Măng tây là một bộ trong lớp thực vật một lá mầm, thuộc họ loa kèn, có tên khoa học là Asparagus. Trong 180g măng tây có chứa đến 268,2 microgam folate, chiếm 67% lượng folate cơ thể thai phụ cần mỗi ngày. Acid folic (folate) còn gọi là vitamin B9, là một loại vitamin cần thiết cho dinh dưỡng hằng ngày của cơ thể người, giúp tổng hợp ADN và là một trong những vi chất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của bào thai, nhất là hệ thần kinh. Măng tây là thức ăn có chứa hàm lượng acid folic cao nhất, khoảng 5 cây măng tây có chứa 1.000mcg acid folic. Nhưng khi nấu măng tây, mẹ bầu chú ý không nên nấu quá lâu, tránh làm tổn thất nguồn acid folic quý giá.
Măng tây rất tốt cho bà bầu. Nguồn ảnh: internet |
Một nghiên cứu cho thấy, những phụ nữ trước khi mang thai và trong thời kỳ đầu mang thai ăn khoảng 400 microgram folate mỗi ngày sẽ làm giảm đến 70% các nguy cơ khuyết tật liên quan đến ống thần kinh ở trẻ sơ sinh, ngăn ngừa được bệnh đục thủy tinh tế, giữ cho đôi mắt trẻ luôn sáng và khỏe mạnh.
Măng tây không chỉ giàu axit folic, măng tây có chứa nhiều chất xơ, 180g măng tây có chứa đến 3,6g chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa, giúp nhuận tràng, chống táo bón cho bà bầu.
Đặc biệt sau khi sinh, mẹ bầu nào thường xuyên dung nạp măng tây trong giai đoạn mang thai sẽ có nguồn sữa dồi dào, giàu chất dinh dưỡng.
Măng tây không chỉ giàu dinh dưỡng giúp mẹ bầu có thai kì khỏe mạnh mà măng tây còn được coi là liều thuốc thiên nhiên rất hữu hiệu cho đời sống tình dục. Rễ măng tây đun sôi cùng sữa sẽ chữa bệnh loãng tinh trùng ở nam giới, giúp tăng khả năng thụ thai cho các cặp vợ chồng. Với lượng khoáng chất: kali, canxi, magne …dồi dào, măng tây là liều thuốc giải độc tốt cho cơ thể, đồng thời giúp ngăn ngừa những bệnh liên quan đến tiêu hóa như: đau dạ dày, sỏi thận, ung thư bàng quang, đau ruột kết.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện trong chồi và lá măng tây có tác dụng giã rượu, giúp bảo vệ gan, thanh lọc những độc tố có trong rượu. Được biết, người Trung Hoa thường lấy rễ măng tây để dùng trị ho ngứa cổ, ho ra máu, khô và sưng cổ họng, táo bón. Theo Trung dược, rễ măng tây có vị đắng, tính ấm có tác dụng nhuận phế, trấn khái, khử đàm và sát trùng.
Măng tây có vị ngọt, ngon, khi được chế biến có mùi thơm, rất mềm. Có thể chế biến măng thành nhiều món ăn, tùy theo khẩu vị và sở thích của mỗi bà bầu như: măng tây trộn salad, măng tây xào giòn, măng tây xào thịt bò sốt mù tạt, lườn gà cuộn măng tây, gỏi măng tây, mực trộn măng tây, măng tây xào tôm, Súp măng tây …
T.N (tổng hợp)