Những năm tháng đầu đời, thành tựu lớn nhất của mỗi đứa trẻ đó là việc đi được trên đôi chân và có thể cất tiếng gọi ba mẹ. Điều đó cũng lý giải vì sao lời nói, cách nói có ý nghĩa quan trọng trong việc nuôi nấng và giúp trẻ phát triển trí tuệ, tinh thần và nhân cách. Hơn nữa, ba mẹ luôn là tấm gương để con trẻ học hỏi và bắt chước, vì vậy nếu muốn con ngoan ngoãn và có tâm hồn sáng trong, ba mẹ cũng cần phải có những biểu hiện, lời nói đúng mực và phù hợp với trẻ nhỏ. Bên cạnh chia sẻ cùng con những lời hay ý đẹp, ba mẹ đừng quên tránh những câu nói dưới đây nhé!
1. “Đừng làm ba/mẹ xấu hổ vì con”
Nghe thôi đã thấy đau lòng phải không ba mẹ? Dẫu sao con cũng chỉ là đứa trẻ, có nhiều lời nói, nhận thức hoặc hành động chưa đúng và ba mẹ thường muốn uốn nắn để con tránh xa những lỗi lầm ấy. Câu nói này có thể chỉ vô tình thốt ra nhưng lại mang đến cho con trẻ thật nhiều tổn thương tâm lý, thậm chí cản trở con tiếp nhận những lời khen, những điều tốt đẹp, khiến con tự xấu hổ và luôn trách cứ chính bản thân mình.
Câu nói này sẽ khiến trẻ tự ti và mặc cảm hơn |
2. “Khi bằng tuổi con, ba/mẹ đã có thể...”
Trong mắt của những đứa trẻ dưới 6 tuổi, ba mẹ không đơn thuần là người thân cận nhất mà giống như “thần thánh”. Nghĩa là, mọi việc ba mẹ làm, mọi lời nói của ba mẹ đều được trẻ hết mực để ý. Vì vậy nếu đề cập đến những việc bạn đã làm được khi còn nhỏ trước mặt con, bạn vô tình đã gây ra cho chúng những suy nghĩ thiếu tích cực về sự cạnh tranh không lành mạnh chỉ để khẳng định giá trị bản thân. Và đến tận sau này khi đã trưởng thành, con có thể sẽ luôn tư duy rằng phải đạt điều này, làm điều kia vì ba mẹ, vì người khác đã làm, chứ không phải xuất phát từ chính những gì chúng thực sự đam mê theo đuổi.
3. “Bạn ấy làm tốt hơn con rất nhiều kia mà”
Ba mẹ thường có xu hướng so sánh tính cách, năng lực của con cái với những đứa trẻ đồng trang lứa. Phép so sánh ấy chẳng thể giúp trẻ tốt hơn lên mà còn cản trở việc xây dựng những mối quan hệ xã hội tốt đẹp của trẻ. Thay vì một tình bạn chân thành, trong sáng, con bạn sẽ dễ hình thành suy nghĩ mình đang bị đối xử không công bằng, và phải bằng mọi cách để được đánh giá cao hơn người bạn kia trong mắt ba mẹ và xã hội. Trong tương lai, con cũng dễ có cái nhìn tiêu cực về mọi người xung quanh, thậm chí gặp nhiều áp lực khi phải cố gắng vượt qua tất cả bạn bè để được đứng vị trí cao nhất.
Không dùng phép so sánh trẻ với người khác, sẽ khiến trẻ nuôi dưỡng sự căm ghét |
4. “Nếu không ăn bữa tối con sẽ lùn tịt cho xem”
Câu nói này cực kì phổ biến và hầu hết tất cả ba mẹ đều it nhất một lần nói ra mà không hiểu được tầm nghiêm trọng của nó. Để ép con ăn, bạn thường “dọa” con với những điều không muốn, như bị lùn,bị xấu, bị đen. Con sẽ rất dễ bị ám ảnh bởi đồ ăn nếu nghe điều này thường xuyên, và chúng có thể ăn nhưng chẳng hề ngon miệng. Điều này cũng đâu có tốt cho sức khỏe thể chất và tâm lý của con khi phát triển. Thay vào đó, nên chia sẻ với con lợi ích của việc ăn rau, uống sữa, ăn hoa quả. Con sẽ tích cực tiếp nhận những thông tin ấy một cách dễ dàng và vui vẻ ngồi ăn với suy nghĩ về những lợi ích sau khi con ăn xong.
5. “Đúng là cha nào con nấy”
Câu này rất hay được thốt ra khi ba/ mẹ đang tức giận về một nét tính cách hoặc hành động của con. Bên cạnh việc khiến con không hiểu mình sai ở đâu và sửa như nào, bạn còn đào thêm hố sâu khoảng cách giữa bạn và con trẻ. Thậm chí bạn còn đang lôi con vào mối quan hệ đang có dấu hiệu chẳng mấy tốt đẹp giữa ba mẹ chúng, rằng người này không thể chấp nhận tính xấu của người kia. Vì thế con dễ dàng mất đi lòng tôn trọng ít nhiều dành cho ba mẹ chúng, và có thể là tiền đề để chúng đánh giá nhược điểm của bạn sau này.
Khiến trẻ mặc cảm và mất đi sự tự trọng |
Vậy đấy, những câu nói vô tình buông ra như câu cửa miệng và hoàn toàn chẳng đặt nặng suy nghĩ gì trong đó nhưng lại có tính sát thương tâm hồn thật lớn. Trẻ con là những mầm nhỏ cần được bảo bọc, săn sóc kỹ lưỡng và đúng cách.Vì vậy hãy để ý từng lời nói ra, đừng để con bị tổn thương và ảnh hưởng tâm lý, nhân cách trong suốt quãng đời về sau chỉ bằng một lời nói nhỏ và thiếu suy nghĩ.
Ka Linh