Tin mới

Bài hát 'sát nhân' trứ danh khiến hơn 100 người tự kết liễu cuộc đời

Thứ ba, 16/06/2020, 15:12 (GMT+7)

"Gloomy Sunday" (Chủ nhật u sầu) nổi tiếng là một bài hát tự tử của Hungary bởi nó đã khiến hơn 100 người tự kết liễu cuộc đời sau khi lắng nghe.

Rất nhiều người cáo buộc những bài hát góp phần đẩy người thân của họ đến bước đường tự tử. Và "Gloomy Sunday" nằm trong số này. Được viết năm 1933 và cover hơn 70 lần, "Gloomy Sunday" của Rezső Seress và László Jávor được cho là có liên quan tới hơn 100 vụ tự tử kể từ khi nó xuất hiện trên các máy hát vào năm 1935.

Rezső Seress là một nhạc sĩ người Hungary, sống tại Paris vào năm 1933. Một số người tin rằng vị hôn thê của Seress đã rời bỏ anh, khiến nhạc sĩ rơi vào bế tắc và bản nhạc này ra đời dành cho người phụ nữ đó. Một số câu chuyện khác thì nói rằng nhà thơ, người viết lời László Jávor cũng có một chuyện tình đau khổ và yêu cầu Seress soạn nhạc cho bài thơ mà anh viết cho người yêu cũ.

Và dù sự thật có như thế nào thì cả 2 người đã cùng tạo ra "Gloomy Sunday" và cố gắng bán nó. Điều này không dễ dàng. Một nhà xuất bản tiềm năng nói rằng "có một sự tuyệt vọng cực kỳ khủng khiếp trong bài hát này... tôi không nghĩ có ai có thể vẫn ổn khi nghe một bài hát như vậy". Nhưng cuối cùng, nó đã được ca sĩ người Hungary Pál Kalmár ghi âm và được đón nhận. Có vẻ như cuối cùng Seress và Jávor đã có một bài hát thành công, u sầu đúng như cái tên của nó.

Gloomy Sunday (Chủ nhật u sầu) được mệnh danh là "bài hát tự tử" của Hungary.

Nhưng sau đó, vào năm 1935, một thợ đóng giày ở Budapest đã tự sát. Lá thư tuyệt mệnh của ông ấy có dẫn lời bài hát "Gloomy Sunday". Một câu chuyện khác cũng tuyên bố vị hôn thê của Jávor hoặc Seress đã tự sát bằng thuốc độc, để lại 2 từ duy nhất trong thư tuyệt mệnh: "Gloomy Sunday". Cả 2 người đàn ông cũng được cho là đã tự tử bằng súng sau khi nghe một ban nhạc chơi bản nhạc này.

Hungary được cho là đã cấm chơi bài hát này nhưng những vụ tự tử vẫn không dừng lại. Tại Vienna, một phụ nữ đã chết đuối khi đang nắm chặt bản nhạc. Ở London, một phụ nữ khác đã dùng quá liều barbiturat trong khi nghe bài hát lặp đi lặp lại. Hay có trường hợp một người đàn ông yêu cầu nghe bài hát trong câu lạc bộ rồi ra ngoài tự bắn vào đầu. Lâu hơn nữa, vào năm 1968, Seress đã tự sát bằng cách nhảy khỏi cửa sổ và đây là bằng chứng rõ ràng hơn bao giờ hết về sức mạnh kỳ lạ của bài hát.

Có thể là thời đại đã truyền cảm hứng cho nhiều vụ tự tử chứ không hẳn là do bài hát. Trong thời kỳ Đại khủng hoảng, mức độ tự tử cao hơn bao giờ hết và "Gloomy Sunday" dường như là một ca khúc phù hợp với với tâm trạng người nghe khi ấy. Hungary nói riêng luôn là nước có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới. Thế nhưng số người chết liên quan đến "bài hát tự tử Hungary" vẫn khiến huyền thoại này vẫn còn tồn tại, thậm chí còn làm dấy lên một cuộc điều tra khoa học. Và dù có tai tiếng như vậy nhưng bài hát vẫn phổ biến. Phiên bản của Billie Holiday vẫn được yêu thích nhất, và còn nhiều bản cover khác của Sarah Vaughn, Bjork, Elvis Costello và Sinead O'Connor.

Mặc dù chúng ta không thể kết luận liệu bài hát này có phải là nguyên nhân chính dẫn đến những vụ tự tử đó hay không nhưng rõ ràng, giai điệu và ca từ của nó khiến người nghe thực sự đau lòng.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news