Tin mới

Bánh chưng "Lưng Gù" lạ mắt Tết Bính Thân 2016

Chủ nhật, 07/02/2016, 16:21 (GMT+7)

Tết Nguyên Đán 2016 đang đến rất gần, nhiều gia đình đã chuẩn bị xong cho mình những chiếc bánh chưng để thờ cúng tổ tiên. Bánh chưng “Lưng Gù” ở Lục Yên, Yên Bái cũng vô cùng lạ mắt.

Tết Bính Thân 2016 đang đến rất gần, nhiều gia đình đã chuẩn bị xong cho mình những chiếc bánh chưng để thờ cúng tổ tiên. Bánh chưng “Lưng Gù” ở Lục Yên, Yên Bái cũng vô cùng lạ mắt.

Bánh chưng là món ăn cổ truyền không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về, mặc dù hiện nay nhiều gia đình không kỳ công chuẩn bị gói bánh mà đặt bánh ngoài hàng thế nhưng ở những vùng quê vẫn lưu giữ được nét truyền thống là gói bánh chưng để cho con trẻ được cảm nhận không khí Tết đến.

Cậu bé thích thú cầm chiếc bánh chưng "Lưng Gù" trên tay.

Giống như nhiều gia đình ở các tỉnh thành khác trên cả nước, với bà con vùng cao ở Huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái Tết đến là khoảnh khắc mọi người cùng quây quần bên nhau, giúp nhau gói bánh chưng và làm mâm cơm cúng ông bà tổ tiên.

Tết năm gia đình chị NôngThị Xứng (Thôn 12, xã Minh Xuân, Huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) đã chuẩn bị cho gia đình những chiếc bánh chưng đầy đặn.

Nói đến bánh chưng ở vùng đất này có một điều đặc biệt chính là không gói bánh chưng vuông như người dưới xuôi mà người dân tộc Tày nơi đây thường chỉ gói bánh chưng Tày hay còn gọi là bánh mỏ vịt, bánh lưng gù và bánh Tét. Nguyên liệu để gói bánh chưng Lưng gù cũng gồm đỗ, gạo nếp, thịt lợn ba chỉ, lá dong…

Mỗi lần gói là cho hai lá xếp ngược nhau và cho gạo, cho đỗ vào, cho một lớp thịt và sau đó 1 lớp gạo rồi gấp lại là thành hình lưng gù, sau đó dùng ba chiếc lạt buộc lại cho chắc để gạo ở bên trong không bị rơi ra.

Bánh chưng "Lưng Gù" sau khi luộc xong.

Chị Xứng cho biết: “Từ khi sinh ra tôi đã thấy bố mẹ gói bánh chưng này rồi, không gói bánh vuông bao giờ, có lẽ là không có khuôn nên mọi người gói như vậy cho nhanh. Bánh chưng lưng gù cũng không mất nhiều thời gian đun bánh, chỉ cần đun khoảng 4 giờ đồng hồ là được ăn”.

Nói về nguồn gốc của loại bánh chưng lạ mắt này, bà Hoàng Thị Chì (74 tuổi) cho hay: “Tôi không biết bánh chưng Tày có nguồn gốc từ đâu nhưng từ xa xưa khi tôi còn nhỏ bố mẹ cũng thường gói loại bánh này, lớn lên đi lấy chồng tôi lại gói thứ bánh đó, từ đời này qua đời khác. Ở đây hầu như gia đình nào cũng gói bánh chưng Tày”.

Bánh chưng Lưng gù có mùi vị không khác gì bánh chưng vuông dưới xuôi nhưng nhiều gia đình nơi đây có lẽ đã quen với truyền thống, tập tục nên vẫn luôn lưu giữ được nét đặc trưng này.

Thanh Lam

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news