Cơn bão số 13 sau khi đi vào vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa vào chiều ngày 12/11 đã suy yếu và thành áp thấp nhiệt đới, có khả năng tan trên biển hoặc suy yếu thành áp thấp trước khi đi vào miền Trung.
Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương cho hay chiều nay ngày 12/11 khi đi vào vùng biển phía Băc quần đảo Hoàng Sa, bão số 13 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Vào hồi 13h chiều nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 9. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 8 có bán kính khoảng 70 km tính từ vùng tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam , mỗi giờ đi được 10-15 km và suy yếu dần suy yếu thành một vùng áp thấp.
Đến 13 giờ ngày 13-11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200 km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, khu vực Bắc biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa rào và dông, gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Biển động mạnh.
Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 15,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông.
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai diễn ra ngày 11-11, ở Hà Nội, đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết bão số 13 nhiều khả năng bão sẽ tan trên biển, hoặc suy yếu thành áp thấp trước khi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế.
Do hoàn lưu bão cộng với Không khí lạnh có khả năng gây mưa to đến rất to từ 150 đến 200 mm, có nơi mưa cục bộ có thể lên đến 300-400 mm. Vùng mưa trọng điểm được dự báo là các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi.
Hồng Hạnh (tổng hợp)