Tin mới

Bão số 5 vừa tan, miền Trung chuẩn bị đón một đợt mưa lớn

Thứ năm, 31/10/2019, 21:31 (GMT+7)

Dù bão số 5 đã suy yếu, các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão và sau bão. Đặc biệt, cảnh báo mưa đã kéo dài nhiều ngày qua nên nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất là rất lớn.

Theo tin tức từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão số 5 sau khi đi vào đất liền tại các tỉnh Bình Định-Phú Yên đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) gây gió mạnh, mưa lớn, một số khu vực lượng mưa xấp xỉ 400mm, tốc độ gió mạnh cấp 8-9, có nơi giật cấp 11.

Tuy nhiên, các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão và sau bão.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì họp ứng phó với hoàn lưu bão số 5. Ảnh: LĐO

Nhận định về tình hình mưa lũ sau bão số 5, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cảnh báo mưa đã kéo dài nhiều ngày qua nên nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất là rất lớn. Đặc biệt là lũ lớn trên sông Vệ dự báo gây ngập sâu, lũ lụt diện rộng những ngày tới, tin tức từ Infonet đưa tin.

Bên cạnh đó, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên; ngập lụt sâu diện rộng tại các vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa.

Theo ông Khiêm, dự báo trong những ngày tới sẽ hình thành một dải hội tụ nhiệt đới và có khả năng tiếp tục xuất hiện một cơn bão mới, gây ra một đợt mưa rất lớn ở các tỉnh miền Trung. “Tổng lượng mưa dự báo phổ biến từ 300 - 500mm, có nơi mưa trên 500mm, nên các tỉnh miền Trung có nguy cơ lặp lại trận lũ lịch sử năm 1999”, ông Khiêm thông tin.

Dự báo trong những ngày tới sẽ hình thành một dải hội tụ nhiệt đới và có khả năng tiếp tục xuất hiện một cơn bão mới, gây ra một đợt mưa rất lớn ở các tỉnh miền Trung. Ảnh minh họa

Tại cuộc họp họp trực tuyến rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó bão số 5 và triển khai ứng phó với mưa lũ sau bão diễn ra sáng 31/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, dù cơn bão không mạnh nhưng đi nhanh, dễ gây tâm lý chủ quan, dù đã có sự chỉ đạo chủ động, quyết liệt, tuy nhiên công tác chỉ đạo ứng phó đôi lúc còn lúng túng, đặc biệt trong quản lý neo đậu tàu thuyền tại Bình Định; cần xem xét rút kinh nghiệm và có kế hoạch bố trí neo đậu tàu thuyền phù hợp, đảm bảo đủ khả năng. Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương không được chủ quan và chủ động ứng phó với diễn biến thiên tai bất thường trong thời gian tới.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news