Hơn 1 tháng trở lại đây, thị trường xe hơi Việt Nam sôi sục với sự xuất hiện của cặp đôi Kia Sonet và Toyota Raize. Đây là 2 sản phẩm đầu tiên mở đầu phân khúc A-SUV, dòng xe gầm cao cỡ nhỏ đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng nhưng sở hữu mức giá bán phải chăng. Theo dự đoán ban đầu, nhiều ý kiến cho rằng Sonet tới trước sẽ chịu lép vế so với chiếc Raize ra mắt sau. Bên cạnh đó tâm lý ưa hàng ngoại rất có thể cũng giúp cho Raize dễ lấy lòng người dùng Việt hơn.
Tuy nhiên câu chuyện thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Cụ thể sau 1 tháng mở bán, doanh số bán ra của Kia Sonet, mẫu xe lắp ráp trong nước do THACO phân phối đạt gần 929 xe. Số lượng phân bố đều trên 3 miền đất nước, từ Bắc – Trung – Nam lần lượt là 335 – 136 và 358 xe. Trong khi đó, Toyota Raize hàng nhập Indonesia chỉ bán được tổng cộng 189 chiếc (phân bố 88-45-56). Như vậy, doanh số giữa 2 mẫu đã chênh lệch nhau tới 4 lần.
1 trong số các lý do chủ chốt đến từ việc Sonet là xe nội địa, nguồn cung linh kiện không bị hạn chế, qua đó lượng xe đến tay khách hàng dồi dào hơn. Mặt khác, giai đoạn cuối năm bắt đầu áp dụng Chính sách hỗ trợ phí trước bạ cho xe sản xuất trong nước. Chính vì thế lượng khách quan tâm tới Sonet sẽ nhiều hơn so với Raize.
Kia Sonet cũng mang tới cho khách Việt nhiều lựa chọn phiên bản hơn (4), với giá dao động từ 499 - 614 triệu đồng, trong khi Toyota Raize chỉ cung cấp duy nhất 1 tùy chọn giá 527 triệu (Sẽ tăng hơn 8 triệu nếu đổi màu sắc ngoại thất).
Nội thất Sonet gây ấn tượng mạnh bởi việc sở hữu nhiều hơn các trang bị tiện nghi. Thậm chí nhà sản xuất còn ưu ái đưa vào nhiều trang bị đã xuất hiện trên cả các dòng SUV lớn hơn như Seltos hay Sorento. Sonet chỉ thua thiệt đôi chút về mặt tính năng an toàn.
Động cơ vận hành của Sonet cũng phần nào mạnh mẽ hơn với hệ thống Smartstream 1.5L 113 mã lực, kết hợp hộp số sàn 6 cấp hoặc tự động vô cấp CVT. Với Toyota Raize là động cơ 1.0L Turbo, công suất cực đại 98 mã lực, kết hợp hộp số biến thiên vô cấp hoàn toàn mới (D-CVT) và hệ dẫn động cầu trước.