Mới đây theo dữ liệu báo cáo "Kết quả Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2020", tính đến năm 2020 Đông Nam Bộ là vùng kinh tế có tỉ lệ đi xe máy trên 100 hộ dân cao nhất cả nước. Cụ thể, cứ trên 100 hộ ở Đông Nam Bộ là có 181 chiếc. Đứng thứ hai là Đồng bằng sông Cửu Long với 157,6 chiếc.
Tiếp đó là Tây Nguyên với 155,1 chiếc. Khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đứng thứ tư với 149,8 chiếc. Theo sau là Đồng bằng sông Hồng với 147,8 chiếc và cuối cùng là khu vực Trung du miền núi phía Bắc với 142,3 chiếc trên mỗi 100 hộ dân.
Qua con số trên có thể thấy được tỷ lệ sở hữu xe máy của hộ dân miền Nam ở mức cao hơn nhiều khu vực miền Trung và miền Trung cao hơn khu vực miền Bắc. Trong khi đó, trong suốt giai đoạn 2010-2020, Đông Nam Bộ luôn là vùng có tỷ lệ sở hữu xe máy cao nhất cả nước.
Vùng Đồng bằng sông Hồng đứng thứ ba về số xe máy trên 100 hộ dân trong giai đoạn 2010-2014, tuy nhiên con số này đã tụt hạng vào những năm tiếp theo do số xe máy tăng chậm hơn các vùng như Đồng bằng sông Cửu Long cùng với Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ.
Tuy nhiên, nếu xét về tỷ lệ sở hữu ô tô ở các vùng, thì thứ hạng lại hoàn toàn khác, khu vực Đồng bằng Sông Hồng là vùng kinh tế có số ô tô trên 100 hộ dân cao nhất cả nước với 7,2 chiếc. Thứ hai là vùng Trung du miền núi phía Bắc với 5,4 chiếc. Tiếp đó là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với chiếc. Tây Nguyên xếp thứ 4 với 4,3 chiếc. Đông Nam Bộ có 4,2 chiếc và cuối cùng là Đồng bằng sông Cửu Long với 1,7 chiếc trên mỗi 100 hộ dân.
Như vậy, có thể thấy tỷ lệ sở hữu ô tô của các hộ dân ở miền Bắc nói chung cao hơn miền Trung và miền Trung lại cao hơn miền Nam. Tuy nhiên khu vực Đông Nam Bộ vào năm 2010 lại có tỷ lệ sở hữu ô tô cao nhất cả nước với 2,4 chiếc trên 100 hộ dân. Nhưng chỉ đến năm 2016, sau đó tỷ lệ sở hữu lại đi ngang và hầu như không tăng nữa.
Đến năm 2018, Đồng bằng Sông Hồng vươn lên dẫn đầu cả nước về tỷ lệ sở hữu ô tô. Trung du miền núi phía Bắc cũng tăng ngoạn mục lên dẫn thứ hai vào năm 2020, trong khi khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung vươn lên đứng thứ ba.
Báo cáo cũng cho thấy trong giai đoạn 2010-2020, số lượng đồ dùng lâu bền trên 100 hộ gia đình có xu hướng tăng mạnh ở các loại đồ dùng phục vụ nhu cầu đi lại (ô tô, xe máy).