Bệnh sốt mò xuất hiện ở thị trấn Can Lộc, Hà Tĩnh là một căn bệnh hiếm gặp và đặc biệt nguy hiểm. Đây là bệnh có thể dẫn đến suy thận, suy gan cấp, rất dễ tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Theo Báo Hà Tĩnh đưa tin, ngày 2/12, Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh vừa phát hiện và điều trị cho bệnh nhi Trần Lê Anh Thơ (8 tuổi, trị trấn Can Lộc) bị sốt mò.
Bệnh nhi Trần Lê Anh Thơ xuất hiện nhọt đã bị khô do nhiễm trùng ở vùng cổ. (Ảnh do bác sỹ Trần Anh Pháp cung cấp)/ Báo Hà Tĩnh |
Bệnh nhân có triệu chứng sốt cao, xuất hiện nhọt đã bị khô do nhiềm trùng và có hạch ở góc hàm. Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ khẳng định bệnh nhân bị bệnh sốt mò. Sau 2 ngày chữa trị, bệnh nhân đã được cắt sốt và hết các triệu chứng suy gan cấp có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Bệnh sốt mò là căn bệnh hiếm gặp và rất nguy hiểm. Đây là bệnh nhiễm trùng cấp tính do một loại vi trùng có trong thiên nhiên, thường ký sinh nhiều trên bọ chét, bọ ve, cây xanh.
Theo Báo Sức khỏe & Đời sống sốt mò có các dấu hiệu điển hình sau:
+ Nốt loét: Sau 24 giờ, bệnh nhân bị sốt mò sẽ có vết đốt phồng lên đường kính 2mm, 4 ngày dịch đục, 5 ngày mụn vỡ, xung quanh có sẩn cứng sau khi đóng vẩy màu nâu đen.
+ Sưng hạch bạch huyết: Phần lớn các bệnh nhân sẽ có hạch nổi ở khu vực gần vết loét. Hạch bằng hạt táo, hạt mận, di động, hơi đau. Hạch toàn thân thấy ở nách, bẹn, cổ (45%), thường nhỏ hơn hạch khu vực. - Ban dát sẩn: Mọc vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 6, có ở 82% các trường hợp, đường kính bằng hạt kê đến 1 cm, màu mận chín, sờ hơi cứng. Ban mọc toàn thân không theo thứ tự, mọc ở mặt, ngực, bụng, tồn tại 4-5 ngày.
Phòng bệnh
Để phòng bệnh, cần tránh ngồi nằm phơi quần áo đặt balô trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây; khi đi phát nương làm rẫy, hành quân dã ngoại, trinh sát vào rừng cần mang giầy và tất, chít ống quần.
Diệt mò ở môi trường: phun tồn lưu vào đất ẩm, bờ bụi cây cỏ cao dưới 20 cm quanh nhà nơi dâm mát. Diệt chuột theo mùa, chú ý rắc thuốc diệt mò trước.
Dã Quỳ (tổng hợp)