Tin mới

Bí mật về vị đại gia giàu thứ 4 Sài Thành: Có 30.000 nhà mặt phố, phất lên từ nghề ve chai

Thứ tư, 10/03/2021, 14:10 (GMT+7)

Chú Hoả được biết đến là đại gia giàu nhất Sài Gòn, ông cũng là người xây dựng nhiều công trình, địa điểm nổi tiếng đến ngày nay.

Nếu từng nghe câu nói "Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa" lừng lẫy 1 thời thì bạn có lẽ đã biết đến nhân vật Chú Hỏa – người đứng vị trí thứ 4 trong câu nói. Ông là một phú hộ giàu có nhất nhì Sài Gòn xưa với khối tài sản khiến cả những đại gia giàu có nhất bây giờ cũng phải “nghiêng mình nể phục”.

Chú Hỏa đi từ người nhặt ve chai bần hàn, phất lên thành “vua nhà đất” với khối tài sản khổng lồ, với hơn 30.000 căn nhà mặt phố ở Sài thành đắt đỏ. Ngày nay, nhiều cơ ngơi của Chú Hoả vẫn được sử dụng và nổi danh khắp cả nước. Với những đóng góp to lớn của mình cho xã hội, tên tuổi của ông được lưu danh ở những công trình nổi tiếng.

Chú Hỏa, tên thật là Huỳnh Văn Hoa, hay còn gọi là Hui Bon Hoa. Ông sinh năm 1845, là thương nhân người Việt gốc Hoa, mang quốc tịch Pháp. Người Sài Gòn xưa thường tuyên bố rằng "Đi tàu Chú Hỷ, ở nhà Chú Hỏa” bởi ông là trùm bất động sản thời bấy giờ. Nhà đất của chú Hỏa khi ấy chiếm lĩnh hầu hết thị trường nhà đất. Ông cũng có công lớp giúp Sài Gòn khi ấy được khẳng định là Hòn ngọc Viễn Đông.

Chú Hỏa. Ảnh: VietnamFinance
Chú Hỏa. Ảnh: VietnamFinance

Thời kì hưng thịnh nhất của chú Hỏa là cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Từ Sài Gòn đến Gia Định, Chợ Lớn, chú Hỏa đầu tư hơn 30 000 căn nhà mặt phố, nhằm phục vụ mảng đầu tư xây dựng, cho thuê nhà đất,.. Sau đó, công ty Hứa Bổn Hỏa và các con đã được thành lập. Ba người con của ông cũng hết lòng xây dựng công ty ngày một lớn mạnh.

Không chỉ xây biệt thự hoành tráng cho gia đình, ông còn chăm chút luôn những công trình công cộng như bệnh viện, khách sạn, trang trí phố phường,.. được người dân Sài Gòn hâm mộ. Những công trình của chú Hứa không chỉ có giá trị lịch sử mà còn được sử dụng đến tận ngày nay như Bệnh viện Từ Dũ (trước là Bảo sanh viện Đông Dương - Maternité Indochinoise), Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (trước là Chẩn Y Viện)...

Cơ ngơi nổi tiếng nhất mà chú Hứa sở hữu là căn biệt phủ có 99 cửa nằm tại khu tứ giác đắc địa của Sài Gòn là phố Phó Đức Chính - Lê Thị Hồng Gấm - Calmette - Nguyễn Thái Bình. Tòa nhà được xác định xây dựng hoành tráng để toàn bộ con cháu trong gia đình có thể cùng nhau sinh sống trong một căn nhà với đầy đủ tiện nghi.

Một trong những dãy phố chú Hỏa từng sở hữu. Ảnh: Người đưa tin
Một trong những dãy phố chú Hỏa từng sở hữu. Ảnh: Người đưa tin

Phải mất đến 5 năm công trình này mới có thể hoàn thiện. Căn biệt phủ do kiến trúc sư người Pháp thiết kế, có 4 tầng với lối kiến trúc cổ hòa hợp giữa hai trường phái Á – Âu. Đây cũng là nơi đầu tiên ở Sài Gòn có thang máy - một trong những thứ xa xỉ bậc nhất Việt Nam, không phải đại gia nào cũng dám sử dụng vào thời gian đầu thế kỷ 20.

Đến năm 1975, khi gia đình họ Hứa chuyển sang nước ngoài định cư, toà nhà đã được sử dụng làm Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Ở hiện tại, bảo tàng được xem là một trong những địa điểm mang tính biểu tượng của Sài Gòn. Ngoài dùng để trưng bày các cổ vật, tác phẩm nghệ thuật, tại đây còn lưu giữ nhiều hiện vật là đồ dùng của gia đình Chú Hỏa như một sự kỉ niệm về tỷ phú giàu nhất Sài Thành bấy giờ.

Tưởng rằng có cơ ngơi khủng như vậy, chứng tỏ chú Hứa cũng thuộc dòng dõi “trâm anh thế phiệt”, vậy nhưng giai thoại lừng lẫy của người đàn ông này lại phất lên nhờ nhặt phế liệu. Cuộc sống khi nhỏ của ông rất nghèo khó, phải mưu sinh bằng nghề bán phế liệu, thu mua ve chai.

Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Ảnh: báo Pháp luật
Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Ảnh: báo Pháp luật

‘Trùm bất động sản’ Sài Gòn xưa có rất nhiều giai thoại về sự giàu có của mình. Có lời đồn cho rằng chú Hỏa giàu nhờ mua được một bức tượng đúc đồng chứa đầy vàng bên trong. Số khác lại cho rằng ông kiếm được khoản tiền lớn khi phân loại thành công vàng từ 20.000 máy truyền tin cũ. Thậm chí có cả tin đồng chú Hứa giàu nhờ việc mua rẻ, bán đắt món đồ cổ mình nhặt được khi đi mót phế liệu.

Dù bằng cách nào thì không thể phủ nhận Chú Hỏa rất khôn ngoan, biết chịu thương chịu khó, để tiền đẻ ra tiền. Nhờ con mắt tinh tường, "trùm bất động sản" đã nhìn ra tiềm năng của một vùng đất hoang phế, nằm ngay trung tâm Sài Gòn đang có kế hoạch san lấp để xây chợ Bến Thành.

Ông nhanh tay mua hết vùng đất xung quanh. Đến khi chợ xây xong, ông nghiễm nhiên có trong tay 20.000 nền nhà thuộc đất vàng, sau tăng dần lên 30.000. Ông cho thuê những căn nhà đó, thu lợi nhuận và đầu tư xây dựng những công trình khác.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: đại gia Sài Gòn