Chính vì nhà trường “lãng quên” nhiệm vụ dạy nội quy trường lớp cho học sinh, hoạt động Đoàn Đội yếu kém nên mới dẫn đến hệ lụy đáng tiếc là các em ngang nhiên đánh hội đồng bạn ngay tại lớp học.
Chia sẻ ý kiến về vụ việc một nữ sinh Trà Vinh bị 7 bạn cùng lớp đánh hội đồng đang gây xôn xao dư luận, độc giả có tên T.S (địa chỉ: thaonhi…@gmail.com) viết: “Tôi là cựu giáo viên từng có 13 năm giảng dạy và trực tiếp xử lý học sinh cá biệt. Lỗi do đâu – tôi khẳng định là do tổ chức Đoàn, đội của nhà trường, là những thầy cô giáo vô trách nhiệm, không để học sinh sợ. Nếu ở trường tôi, sau khi những học sinh kia vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý bằng tình, bằng lý, bằng… thậm chí mời công an tới, xem ngày mai các em còn dám nữa không. Phải biết kết hợp giáo dục với pháp luật và phải làm một cách thường xuyên…”
Ngay khi vừa được đăng tải thì chia sẻ của độc giả này T.S đã gây nên cơn sốt trong Cộng đồng mạng giữa tâm bão của vụ việc. Chúng tôi đã chủ động tìm gặp tác giả của những dòng bình luận trên (nguyên là giáo viên trường THPT Hàm Yên, Tuyên Quang) và được anh chia sẻ một cách thẳng thắn những quan điểm của mình về vụ việc cũng như vấn đề dạy học sinh như thế nào để các em biết “sợ” để nghiêm chỉnh chấp hành nội quy trường lớp.
- Thưa anh, với tư cách là người đã có 13 năm công tác trong ngành giáo dục với vị trí của một người thầy, anh nhận định thế nào về việc 7 học sinh ngang nhiên đánh hội đồng bạn ngay tại lớp học? Phải chăng sự buông lỏng quản lý từ các phụ huynh đã dẫn tới hệ lụy này?
Theo tôi, để xảy ra câu chuyện này thì căn nguyên là do tổ chức đoàn đội của nhà trường bị “tê liệt”. Bên cạnh đó còn là sự vô trách nhiệm, tắc trách của nhà trường và của giáo viên chủ nhiệm.
Trong trường học, các tổ chức Đoàn, Đội đều là môi trường để các em tham gia hoạt động, học tập, sinh hoạt để nhằm rèn luyện tư tưởng, đạo đức, ý thức, tác phong học sinh. Vậy các tổ chức này ở trường THCS Lý Tự Trọng (nơi xảy ra vụ việc) đã rèn luyện nội quy, đạo đức cho các em như thế nào để rồi các em ngang nhiên xử lý bạn bằng bạo lực, đánh hội đồng, đánh một cách công khai, đánh không cần quay trước nhìn sau để “canh chừng” thầy cô.
Tôi đọc các bài báo đăng tải trên các trang mạng và cũng đọc rất nhiều bình luận của độc giả và những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục, Không hề đả động đến tổ chức đoàn đội trong nhà trường. Theo tôi, trong vụ việc trên, lỗi lớn thuộc về tổ chức này.
Trường hợp đánh hội đồng bạn ngay tại lớp không phải là bộc phát mà có biểu hiện của việc nhờn nội quy. Đoàn đội trường này hầu như không phát huy tác dụng, có chỉ để cho đủ cơ cấu. Qua đây có thể thấy công tác giáo dục đạo đức cho học sinh của trường Lý Tự Trọng vô cùng yếu kém. Ban Giám hiệu nhà trường chưa thực sự quan tâm tới công tác phát triển Đoàn, Đội nên dẫn tới hệ quả là không ít học sinh có nhận thức sai lệch và ngang nhiên vi phạm.
Từ bỏ công việc của một thầy giáo, hiện anh T.S đang là Giám đốc một sàn bất động sản tại Hà Nội
Trong trường hợp này, theo tôi không nên bàn đến căn nguyên do cha mẹ học sinh không quản lý các em vì vụ việc xảy ra tại trường học, nghĩa là lãnh đạo nhà trường, thầy cô giáo chủ nhiệm phải là những người đầu tiên chịu trách nhiệm. Các em đánh bạn ầm ĩ tại lớp nhưng không thấy bóng dáng của thầy cô giáo, của ban giám hiệu đã là minh chứng rõ nhất thể hiện sự tắc trách, thờ ơ của những người có “trọng trách”.
- Theo quan điểm của anh thì tồn tại một triết lý ngược là giáo viên của trường này “sợ” học sinh?
Tôi khẳng định các thầy cô cũng như nhà trường “sợ” đụng chạm tới học sinh, sợ bị liên lụy, sợ trách nhiệm sợ ảnh hưởng tới nghề nghiệp của mình.
Thực tế, các em đánh nhau công khai trên lớp, giữa ban ngày, gây ầm ĩ, người đứng vòng trong vòng ngoài quan sát vụ việc; và sau khi bị đánh, nữ sinh phải nhờ một giáo viên đưa về nhưng ban giám hiệu nhà trường lại cho rằng không nắm được thông tin về vụ việc, đó đã là một điều khó hiểu.
Theo nội quy của các nhà trường, các em học sinh phải luôn có thái độ tôn trọng thầy cô giáo. Nghĩa là không được có những biểu hiện, hành vi xúc phạm, xâm phạm các em. Đó cũng là một trong những nguyên do khiến một số em luôn coi mình là đối tượng mà các thầy cô “không có quyền đụng vào”. Điều này là căn nguyên cho một lối tư duy lệch lạc của ở em, rằng nếu “đụng” vào các em thì các em sẽ khởi kiện. Do đó, chẳng thầy cô nào muốn gặp rắc rối theo kiểu này. Vậy nên, những vụ việc liên quan nào xảy ra trong nhà trường nếu bưng bít được thì họ sẽ cố bưng bít, còn hơn là bị ảnh hưởng nghề nghiệp, ảnh hưởng thi đua và có thể bị gặp vô vàn rắc rối khác…
Dòng bình luận gây sốt của anh T.S trên một diễn đàn
Nhưng qua đó cũng dễ dàng nhận thấy, đấy là những người thầy, người cô vô trách nhiệm. Họ không chỉ vô trách nhiệm với học trò của mình mà còn với nghề nghiệp, trọng trách mà họ đang gánh.
Lẽ ra, đối với những học sinh vi phạm nội quy, nhà trường phải có các biện pháp xử lý triệt để đế các em “sợ” mà không dám tái phạm lần sau. Nhưng nhà trường này lại có dấu hiệu bưng bít thông tin, chẳng khác nào dung túng cho những hành vi vi phạm của các em.
- Theo quan điểm của anh thì nên dạy học sinh biết “sợ” nhưng có cần thiết phải áp dụng biện pháp đưa các em lên đồn công an?
Tôi khẳng định là hết sức cần thiết. Đây là một trong những biện pháp có tính chất giáo dục, răn đe mạnh mẽ nhất vì các em bây giờ đã ở lứa tuổi 13, 14, cũng đã nhận thức được mình phải tuân thủ nội quy và tuân theo pháp luật.
Ở trường cũ của tôi, công tác Đoàn phát triển vững mạnh. Thầy cô giáo luôn có trách nhiệm quan tâm tới học sinh. Ban giám hiệu luôn quan tâm tạo điều kiện cho sự phát triển công tác Đoàn. Đoàn trường kết nghĩa với một Chi đoàn Công an trên địa bàn. Khi xảy ra những vụ vi phạm nghiêm trọng, nhà trường mời Chi đoàn Công an xuống làm việc trực tiếp. Cùng một vụ việc, nếu được giải quyết nội bộ trong trường thì không có tính chất răn đe bằng việc có sự tham gia của cơ quan chức năng. Lúc đó, các em sẽ ý thức hơn mức độ nghiêm trọng về hành vi của mình và sẽ biết sợ nếu có ý định vi phạm lần sau.
Cần nói rõ thêm, không phải cứ học sinh vi phạm là gọi công an mà phải tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Tuy nhiên, theo tôi, hướng xử lý theo cách kết hợp giữa nhà trường, chi đoàn công an trên địa bàn là hiệu quả nhất vì có tính thị uy, răn đe cao, hơn là những cách xử lý kiểu nhắc nhở, làm bản kiểm điểm rồi đâu lại vào đấy giống như hiện nay.
- Xin chân thành cảm ơn anh!
Vũ Đậu