- Chính thức công bố phương án kỳ thi quốc gia 2015
- Thông tin mới nhất về vụ nữ sinh ĐH Kinh tế quốc dân mất tích bí ẩn
- Trường học chiếu phim khiêu dâm cho học sinh giữa giờ ăn trưa
Trước hàng loạt băn khoăn thắc mắc của học sinh, các trường về kỳ thi quốc gia - sáng 11/9, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã trực tiếp trả lời những vấn đề đặt ra.
Điều kiện có cần để vào đại học
Thưa ông, tại sao Bộ GD-ĐT lại tổ chức 2 cụm thi: một do sở GD-ĐT tổ chức, một do các ĐH,CĐ chủ trì dù các em vẫn làm chung đề thi?
Thống kê hàng năm của Bộ GD-ĐT cho thấy trên dưới 20% học sinh tốt nghiệp THPT không thi ĐH, CĐ để chuyển sang học nghề, TCCN hoặc lĩnh vực khác.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga |
Các em không có nguyện vọng dự tuyển vào các ĐH, CĐ mà bắt lên cụm thi ở xa thì đi lại tốn kém không cần thiết nên tổ chức ở địa phương cho thuận lợi theo chỉ đạo của Thủ tướng không gây phiền hà, phức tạp cho người học và xã hội.
Đề thi năm 2015 làm cho 2 mục đích nên không lí do gì lại khác đi giữa cụm thi ở các sở chủ trì và cụm thi do các trường ĐH,CĐ chủ trì.
Bộ GD-ĐT có tính tới chuyện sau thi ở cụm tại các sở GD-ĐT thí sinh có điểm cao muốn xét tuyển vào các trường ĐH,CĐ hay không, thưa ông?
- Điều kiện cần của thí sinh để vào các trường ĐH, CĐ là bằng tốt nghiệp THPT, điều kiện đủ phụ thuộc yêu cầu riêng các trường. Có trường chỉ cần các em tốt nghiệp THPT và xét kết quả học tập năm lớp 12 hoặc quá trình học 3 năm ở phổ thông.
Vậy các em vẫn còn cơ hội vào ĐH, CĐ. Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia phải công bố công khai phướng thức tuyển sinh vào các ngành của trường trước 1/1/2015.
Việc sắp xếp đi lại các trường THPT với các cụm thi được bố trí như thế nào, thưa ông?
- Bộ GD-ĐT đã nghiên cứu sơ bộ khoảng cách địa lí giữa cụm thi và các trường THPT để việc đi lại cho học sinh và phụ huynh dễ dàng, không phải đi quá xa, không tập trung quá đông học sinh về một nơi.
Trước đây có 4 cụm thi Hải Phòng, Vinh, Quy Nhơn, Cần Thơ mỗi đợt đông nhất khối A là trên dưới 40.000 thí sinh. Việc thi cử sẽ tận dụng cơ sở các trường ĐH, CĐ các trường THPT trong khu vực gần thành phố để thí sinh tiện đi lại.
Năm nay, ngoài 4 cụm trên, ở các khu vực Hà Nội, TP.HCM có thể sẽ bố trí nhiều cụm để thí sinh phân tán thí sinh ra.
Mức độ tập trung thí sinh sẽ vẫn đông những sẽ không quá nhiều so với kỳ thi “3 chung” như trước đây. Bộ sẽ nghiên cứu, giao nhiệm vụ cho các trường thực hiện.
Bộ sẽ chọn các ĐH có uy tín để tham gia tổ chức thi
Kỳ thi mang tên kỳ thi THPT quốc gia nhưng bộ lại đặt cao vai trò các ĐH, CĐ. Bộ có tính tới việc các trường có thể từ chối, không tham gia?
- Thi, tuyển sinh là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các trường, là khâu trong suốt quá trình đào tạo của các trường. Họ phải làm nghiêm túc để đảm bảo chất lượng đầu vào. Bộ sẽ nghiên cứu, yêu cầu các trường phối hợp với nhau, sở và các trường THPT cũng phải tích cực tham gia việc này.
Các trường phải ý thức được trách nhiệm đó. Bộ sẽ cân nhắc, chọn các trường đủ uy tín và đảm bảo về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ để thực hiện.
Tất nhiên sẽ có những khó khăn phía bộ sẽ có hỗ trợ nhưng tôi tin đây là vinh dự rất lớn của các trường. Họ được thể hiện vai trò của mình trong hệ thống giáo dục quốc dân. Khi bộ chưa quyết định giao cho trường nào nhiều trường đã đề nghị bộ cho làm cụm trước rồi.
Chắc chắn sẽ không trường nào từ chối nhiệm vụ này.
Một số trường ĐH, CĐ cho biết họ phải sửa hoặc thay mới phương án tuyển sinh so với trước đây sau khi bộ đưa ra phương án 1 kỳ thi quốc gia. Bộ đã tính đến việc này?
- Theo kế hoạch từ năm ngoái tất cả các trường đến 30/9/2014 nếu có đề án tuyển sinh riêng phải nộp lên Bộ GD-ĐT để xem xét có đủ điều kiện thực hiện hay không. Các trường sử dụng kết quả của kỳ thi này thì trước 1/1/2015 phải công bố điều kiện xét tuyển.
Về cơ bản các trường vẫn lấy kết quả tốt nghiệp và điểm học tập ở phổ thông của học sinh để xét tuyển/có thể thêm phỏng vấn hoặc bài thi riêng. Các trường chỉ cần điều chỉnh chút ít....
Sau ngày 30/9, Bộ sẽ xem xét nếu phù hợp quy chế thì các trường triển khai trên tinh thần không gây phiền hà cho học sinh.
Đề thi sẽ có 4 mức độ
Học sinh hiện khá hoang mang về mức độ khó dễ của đề thi năm 2015. Bộ nói đề thi có cơ bản, nâng cao. Vậy nâng cao là nâng cao tư duy, khó hơn hay nâng cao giữa sách nâng cao và cơ bản thưa ông?
Bộ đã nói rõ đề thi sẽ có 4 mức độ là nhận biết, thông hiểu, ứng dụng, ứng dung cao. Nâng cao ở đây không phải sử dụng chương trình nâng cao của sách giáo khoa.
Kiến thức trong đề thi cơ bản trong sách giáo khoa phổ thông. Thầy cô và các em vẫn dạy và học bình thường, không có gì lo lắng.
Đề thi sẽ không bắt buộc học thuộc lòng nhiều, học vẹt mà hướng tới việc các em ứng dụng kiến thức học được vào vấn đề giải quyết như thế nào.
Thứ trưởng có thể cho biết cơ cấu mức độ % bao nhiêu để có thể đỗ tốt nghiệp, % nâng cao phân hóa trong đề thi?
Ma trận đề thi sẽ được nghiên cứu kỹ, thí sinh không cần lo lắng. Trong đề thi sẽ có phần giống thi phổ thông và phần nâng lên để xét vào ĐH, CĐ. Nếu thi phổ thông các em đủ kiến thức để làm tốt thì không có gì khó khăn. Đề thi sẽ không quá khó.
Sẽ không gây xáo trộn lớn?
Việc thi 3 môn Toán, Văn, Ngọai ngữ có khiến học sinh theo các khối A, B, C trước đó thiệt thòi không, thưa ông?
- Nên nhớ các em tốt nghiệp thì vẫn có những môn này. Khối A học thêm môn Văn và Ngoại ngữ, khối C thì Toán và Ngoại ngữ. Em nào học khối D thì như vậy là tốt rồi. Về cơ cấu số môn thi cũng đã giảm hơn trước đây.
Việc xét tốt nghiệp theo lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT sẽ ổn định như 2014. Tức là điểm xét tốt nghiệp sẽ lấy 50% điểm học sinh lớp 12 và 50% lấy từ điểm thi tốt nghiệp phải không thưa ông?
Việc xét tốt nghiệp sẽ lấy kết quả học tập của học sinh ở lớp 12 và điểm thi tốt nghiệp của học sinh. Cơ cấu tỉ lệ phần trăm bao nhiêu bộ sẽ đưa vào quy chế xét tốt nghiệp THPT sắp tới.
Theo công bố của Bộ GD-ĐT, căn cứ kết quả thi, Bộ công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn. Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi dựa trên ngưỡng điểm này để xét tuyển theo quy định của quy chế. Có thể hiểu dưới ngưỡng tối thiểu ở đây là điểm liệt của từng môn phải không, thưa Thứ trưởng?
Ngưỡng điểm tối thiểu sẽ được bộ công bố căn cứ vào phổ điểm bài làm của học sinh, ví dụ sẽ lấy 80% học sinh có bài làm đạt yêu cầu thì ngưỡng tối thiểu là bao nhiêu.
Trước đây trong kỳ thi 3 chung vào ĐH,CĐ ta lấy điểm sàn là tổng 3 môn, nghĩa là môn cao có thể môn bù thấp.
Nay sẽ lấy điểm tối thiểu của từng môn. Việc này sẽ có thể khiến rất nhiều em không đạt được.
Bộ sẽ nghiên cứu kĩ để các em không thiệt thòi, không gây xáo trộn lớn cho các trường trong việc tuyển sinh.
Cảm ơn ông!
Video bạn có thể quan tâm: Thầy trò cùng phất cờ lau “ra trận” trong ngày khai giảng