Tin mới

Cách phòng ngừa đuối nước ở trẻ mà mọi phụ huynh không thể bỏ qua

Thứ ba, 01/06/2021, 14:51 (GMT+7)

Mùa hè nào cũng xảy ra những vụ tai nạn đuối nước thương tâm ở trẻ em và nó có thể xảy ra ngay cả khi trẻ đã biết bơi. Vậy thì các bậc phụ huynh đừng bỏ qua hướng dẫn 10 bước này để bảo vệ con em mình.

Tiến sĩ Lois Lee, một chuyên gia cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Boston cho biết trẻ nhỏ có thể đuối nước trong vòng 25 giây ngay cả khi ở vũng nước nông hoặc bể bơi trẻ em. Hầu hết trẻ em đuối nước vì cha mẹ lơ đãng trong một giây hoặc không biết con mình đang ở gần sông hồ, ao ngòi. Theo một nghiên cứu, cứ 10 vụ đuối nước thì có 9 vụ trẻ được người giám sát. Thế nhưng trẻ em, đặc biệt là trẻ mới biết đi là đối tượng có nguy cơ Đuối nước cao nhất rất bốc đồng và nhanh nhẹn. Chúng sẽ lao ra cửa lưới, chui qua những khe hở nhỏ nhất hoặc đi lang thang trong khu vực có nước để lấy đồ chơi.

Trẻ nhỏ khi đuối nước sẽ không giống như những gì bạn thấy trên tivi. Chúng không la hét hay quẫy đạp mà chìm rất nhanh. Trớ trêu thay, có những trường hợp trẻ đuối nước ngay khi có nhiều người lớn ở xung quanh.

Tai nạn đuối nước ở trẻ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ảnh minh họa: Internet
Tai nạn đuối nước ở trẻ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ảnh minh họa: Internet

Dưới đây là 10 bước để phòng ngừa đuối nước ở trẻ em.

1. Luôn để trẻ trong tầm mắt

Các bậc phụ huynh hãy giám sát con thật chặt chẽ. Trẻ chưa có kinh nghiệm bơi lội cần được giám sát liên tục khi chúng chơi gần ao hồ, sông ngòi, bể bơi. Hãy nhớ luôn giữ khoảng cách chạm vào được trẻ và dành cho bé 100% sự chú ý.

Khi con học bơi đường dài bạn vẫn phải luôn để ý đến chúng, bất kể bao nhiêu tuổi. Trẻ ở mọi lứa tuổi đều có thể bị kẹt dưới nước, mệt mỏi hoặc trở nên hoảng loạn.

2. Bỏ qua chiếc điện thoại

Khi đến hồ bơi, bãi biển hoặc hồ nước hãy tắt điện thoại và để nó rời xa tầm tay bạn. Bạn có biết chỉ cần bạn chú ý vào chiếc điện thoại 5s cũng đủ thời gian để một đứa trẻ bị chìm.

3. Đừng dựa vào băng tay tập bơi

Hãy luôn cho trẻ mặc một chiếc áo phao vừa người mỗi khi xuống nước. Ảnh minh họa: Internet
Hãy luôn cho trẻ mặc một chiếc áo phao vừa người mỗi khi xuống nước. Ảnh minh họa: Internet

Khi cho trẻ xuống nước, cách tốt nhất là để bé mặc một chiếc áo phao vừa vặn. Các bậc cha mẹ đặt niềm tin vào các thiết bị nổi nhưng chúng không thể bảo vệ được sự sống cho con em họ. Nếu con bạn chưa biết bơi thì có thể cho trẻ sử dụng đồ chơi bằng phao nổi nhưng với điều kiện bạn ở ngay bên cạnh. Hãy nói không với đồi chơi vây tiên cá bởi đồ vật này có thể là cái bẫy chân của con, ngăn con quẫy đạp dưới nước.

4. Lắp đặt các thanh chắn nước thích hợp

Các gia đình nên lắp rào chắn 4 phía ngăn hồ bơi với nhà, kể cả đó là bể bơi bằng nhựa hay bơm hơi. Không nên sử dụng bể bơi dành cho trẻ quá lớn bởi chúng quá nặng, không thể đổ nước sau mỗi lần sử dụng và thường không có hàng rào hay mái che. Nếu bạn có những bể bơi cho trẻ nhỏ thì hãy đảm bảo thoát sạch nước sau mỗi lần dùng, không để nó tích tụ nước mưa.

Khi trẻ sử dụng những bể bơi bơm hơi này, cha mẹ cần quan sát không rời mắt, kể cả khi nước bên trong rất nông. Hầu hết các bậc phụ huynh nghĩ rằng một đứa trẻ 3-4 tuổi có thể đứng lên và ra khỏi bể bơi dành cho tre nhỏ. Tuy nhiên, nếu bị ngã và dính một ngụm nước, bé có thể sợ hãi và không biết phải làm gì.

5. Đăng ký học bơi cho con

Cho trẻ học bơi là một trong những cách tốt nhất giúp con trang bị thêm kỹ năng sinh tồn.

6. Kết nối con với những đứa trẻ lớn hơn

Hãy ghép nối con với những người bạn hoặc anh chị em lớn tuổi hơn, giải thích cho chúng biết trách nhiệm quan tâm đến bạn của mình mọi lúc. Tuy nhiên, đừng quên một người bạn không thể thay thế sự giám sát của người lớn.

7. Có thiết bị an toàn trong trường hợp khẩn cấp

Bạn nên để điện thoại và thiết bị như phao cứu sinh, áo phao, dụng cụ tiếp cận ở nơi dễ lấy, phòng trường hợp khẩn.

8. Dạy con các quy tắc về nước

Dạy trẻ tuyệt đối không chạy, xô đẩy, kéo nhau ở dưới nước, dù là vùng nước nông. Ảnh minh họa: Internet
Dạy trẻ tuyệt đối không chạy, xô đẩy, kéo nhau ở dưới nước, dù là vùng nước nông. Ảnh minh họa: Internet

Hãy dạy cho trẻ 5 điều sau:

- Không được chạy

- Không được lặn ở vùng nước nông

- Không đẩy mọi người xuống nước

- Không kéo những đứa trẻ khác dưới nước

- Không được bơi mà không có sự giám sát của người lớn.

Và, không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn cũng không nên bơi một mình. Điều đó rất nguy hiểm.

9. Nắm được kỹ thuật CPR

Nếu điều tồi tệ xảy ra, thì việc được sơ cứu kịp thời là rất cần thiết. Nếu các bậc cha mẹ chưa được đào tạo hoặc chưa biết cách hô hấp nhân tạo thì hãy ép ngực 100 lần mỗi phút.

10. Nhận thức được mối nguy hiểm ở nhà

Hầu hết các vụ đuối nước ở trẻ nhỏ đều xảy ra ở hồ bơi sau nhà nhưng cũng có những mối nguy hiểm rình rập quanh nhà và trên bãi biển. Đó là:

Bồn tắm: Không bao giờ để trẻ dưới 4 tuổi trong bồn tắm hoặc gần bồn tắm đang xả nước. Một đứa trẻ đã đi học có thể tự tắm nhưng bố mẹ nên giám sát chặt.

Ghế hoặc vòng tắm dành cho trẻ: Không để con ngồi trong ghế tắm mà không ai giám sát. Trẻ có thể trượt xuống nước và mắc kẹt bên dưới hoặc chiếc vòng có thể lật úp.

Xô và thùng chứa: Một đứa trẻ mới biết đi tò mò có thể ngã chúi vào thùng chứa đầy nước và không thể ra ngoài. Luôn đảm bảo những thứ này không có nước sau khi sử dụng.

Bồn cầu vệ sinh: Hãy đậy nắp bồn cầu và đóng cửa nhà vệ sinh ở mọi thời điểm.

(Theo Parent.com)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news

7 típ bảo vệ bé khi đi biển mà nhiều phụ huynh vô tình làm ngơ

Đi biển luôn là lựa chọn tuyệt vời cho các gia đình mỗi dịp hè về. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh sẽ phải hết sức chú ý để đảm bảo an toàn cho con trẻ khi bé xuống biển chơi.