Tin mới

Cận cảnh quá trình trục vớt trung tâm dữ liệu chứa 864 máy chủ của Microsoft dưới đáy biển

Thứ năm, 17/09/2020, 17:23 (GMT+7)

Sau 2 năm hoạt động thu thập dữ liệu, ngày 14/9 vừa qua, Microsoft đã chính thức trục vớt trung tâm dữ liệu dưới nước thứ hai của mình ở ngoài khơi Scotland.

Năm 2018, gã khổng lồ công nghệ Microsoft đã đánh chìm toàn bộ một trung tâm dữ liệu của mình xuống đáy biển Scotland, khiến 864 máy chủ và 27,6 petabyte dung lượng được lưu trữ sâu 35 mét dưới đáy đại dương.

Đây là một phần của Dự án Natick, Microsoft chọn đảo này bởi hãng muốn các trung tâm dữ liệu hoạt động bằng năng lượng có thể tái tạo, và Orkney là một trung tâm lớn tập trung các nguồn năng lượng này.

Thiết bị này có kích thước tương đương một thùng container hình trụ, có chiều dài 12m, lớp vỏ ngoài bao phủ 864 máy chủ và hệ thống hạ tầng làm mát của chúng. Trung tâm dữ liệu này được lắp ráp tại Pháp, sau đó đã được vận chuyển đến Scotland để triển khai.

Trung tâm dữ liệu của Microsoft hiện nằm ở độ sâu 35 mét dưới đáy biển và được cung cấp năng lượng thông qua một tuyến cáp biển chạy từ Orkney. Và giờ đây, Microsoft đã báo cáo rằng thử nghiệm của họ đã thành công, tiết lộ những phát hiện cho thấy ý tưởng về một trung tâm dữ liệu dưới nước thực sự là một ý tưởng khá tốt.

Microsoft cho biết trung tâm dữ liệu dưới nước có tỷ lệ hỏng hóc hay sự cố chỉ bằng 1/8 so với trung tâm dữ liệu trên cạn, một sự cải thiện đáng kể.

Việc ném cả một trung tâm dữ liệu xuống đáy đại dương có vẻ khó tin, nhưng nhóm Project Natick của Microsoft đã đưa ra giả thuyết rằng việc đánh chìm này sẽ tạo ra các trung tâm dữ liệu đáng tin cậy và tiết kiệm năng lượng hơn.

Theo các kỹ sư của dự án, ở trên đất liền, các trung tâm dữ liệu gặp phải nhiều vấn đề như ăn mòn do oxy và độ ẩm, hay khó kiểm soát sự thay đổi nhiệt độ. Nhưng trong môi trường kín nước với việc kiểm soát nhiệt độ chặt chẽ, chúng gặp ít vấn đề hơn nhiều.

Sau 2 năm nằm dưới đáy biển, trung tâm dữ liệu này đã bị rong rêu bám kín ở phía ngoài vỏ. Tuy nhiên, khi các kỹ sư tiến hành làm sạch bề mặt bên ngoài, và mở ra kiểm tra thì các máy chủ bên trong vẫn hoạt động bình thường.


Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news