Những ngày qua, món ăn "gỏi gà măng cụt" tạo nên cơn sốt trên mạng xã hội. Hàng loạt Tiktoker, nhà sáng tạo nội dung ẩm thực... đua nhau thưởng thức kèm những lời khen có cánh. Dù phức tạp trong khâu chế biến, song với độ ngon khó cưỡng, không ít người cất công cất của để "đu trend" cho bằng được.
Dẫu vậy, theo các chuyên gia y tế, những đối tượng sau đây nên cẩn trọng với thức quả này.
Theo chuyên gia Bùi Đắc Sáng, những người có cơ địa nhạy cảm, ăn măng cụt có thể xảy ra phản ứng dị ứng nhẹ như nổi mề đay, da mẩn đỏ, sưng, ngứa và phát ban, nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Măng cụt chứa nhiều axit lactic, không tốt cho dạ dày nếu ăn với số lượng quá nhiều, những người đang điều trị bệnh lý dạ dày cấp tính không nên ăn loại trái cây này vì có thể làm bệnh lý nặng thêm. Ngoài ra, đối tượng đang bị xuất huyết tiêu hóa cũng phải tránh ăn măng cụt vì axit lactic dễ khiến dạ dày bị tổn thương...
Với những ai đang sử dụng các loại thuốc loãng máu, hay vừa trải qua phẫu thuật cũng phải cẩn trọng khi ăn măng cụt. Bởi loại quả này chứa hợp chất gây cản trở quá trình đông máu - xanthones.
Đối với phụ nữ mang thai cũng nên hạn chế ăn măng cụt vì có thể gây ra một số tác dụng phụ như mất ngủ, đau đầu nhẹ, đau khớp...
Theo Cục an toàn thực phẩm, liều cao xanthone trong măng cụt có thể độc hại và gây ức chế hệ thần kinh trung ương. Khi kết hợp với các loại thảo dược và các loại thuốc khác hoặc sử dụng ở liều cao hơn, chúng có thể gây buồn ngủ quá mức.
Một nghiên cứu cho thấy, ăn nhiều hơn 30g măng cụt có thể dẫn đến tình trạng tiêu chảy tạm thời, làm trầm trọng triệu chứng táo bón ở bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích và gây biến chứng liệt dạ dày ở bệnh nhân tiểu đường.
Hiện tại, trào lưu ăn gỏi gà măng cụt vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Không những vậy, hội "sành ăn" còn biến tấu ra vô số món gỏi mới lạ những loại hoa quả như gỏi gà dâu da, gỏi gà hoa phượng...
Ảnh: Tổng hợp