Các nhà khoa học tại ĐH Copenhagen cho biết họ đã tìm thấy bằng chứng người cổ đại bắt đầu hôn nhau từ khoảng 4.500 năm trước, sớm hơn 1.000 năm so với nhận định trước đây. Những phiến đất sét, được sử dụng ở các vùng Iraq và Syria ngày nay, cho thấy nụ hôn đã được thực hành ở các xã hội Lưỡng Hà sớm nhất và thậm chí có thể làm lây lan các vết loét lạnh. Giờ đây, họ tin rằng nụ hôn phổ biến ở nhiều nền văn hóa chứ không phải bắt nguồn từ một khu vực cụ thể.
Nhận định trên mâu thuẫn với một giả thuyết trước đó, cho rằng nụ hôn sớm nhất của con người bắt nguồn từ một khu vực cụ thể ở Nam Á cách đây 3.500 năm.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu những phiến đất sét được sử dụng trong nền văn hóa Lưỡng Hà cổ đại nằm giữa sông Euphrates và sông Tigris ở Iraq và Syria ngày nay. Trong số này có một mô hình đất sét của người Babylon thể hiện cảnh nóng từ năm 1800 trước Công nguyên. Hình ảnh dường như cho thấy môi của một cặp đôi đang chạm vào nhau.
Tiến sĩ Troels Pank Arboll, một chuyên gia về lịch sử y học ở Mesopotamia tại Đại học Copenhagen, cho biết: "Hàng nghìn viên đất sét này đã tồn tại cho đến ngày nay và chúng chứa đựng những ví dụ rõ ràng rằng nụ hôn được coi là một phần của sự thân mật lãng mạn thời cổ đại. Nó có thể là một phần của tình bạn và quan hệ của các thành viên trong gia đình".
"Vì vậy, không nên coi nụ hôn là một phong tục bắt nguồn từ bất kỳ khu vực nào và lan rộng từ đó. Dường như nó đã được thực hiện ở nhiều nền văn hóa cổ đại trong nhiều thiên niên kỷ".
Các nghiên cứu về tinh tinh lùn và tinh tinh - những họ hàng gần gũi nhất với con người - đã cho thấy chúng có hôn nhau. Điều này cho thấy việc hôn nhau là một hành vi cơ bản ở con người và giải thích tại sao nó có thể được tìm thấy ở khắp các nền văn hóa.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết nụ hôn có thể đã vô tình giúp lây lan các loại virus như herpes simplex 1 (HSV-1) gây ra vết loét lạnh.
(Theo Sky News)