Theo dự thảo thông tư vừa được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến, cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông được trang bị tối thiểu còi, gậy chỉ huy giao thông, găng tay trắng,... bộ đàm cá nhân, súng, dùi cui điện, khóa số tám, loa pin cầm tay và hộp sơn đánh dấu hiện trường…
Theo thông tin trên báo Vnexpress, Dân trí, Pháp luật TP HCM, Bộ Công an vừa ban hành dự thảo Thông tư quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông để lấy ý kiến rộng rãi dư luận.
Theo đó, lực lượng này có quyền tạm thời đình chỉ người và phương tiện ở một số đoạn đường nhất định; phân lại luồng, tuyến, nơi tạm dừng, đỗ xe khi xảy ra ùn tắc giao thông; có quyền kiểm tra giấy tờ của người điều khiển phương tiện và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện nếu phát hiện có vi phạm pháp luật....
Dự thảo thông tư cho phép cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông còn được xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước.
CSGT chỉ huy, điều khiển giao thông sẽ được trưng dụng phương tiện giao thông, phương tiện thông tin - Ảnh minh họa/ Pháp luật TP HCM |
Trong trường hợp cấp bách để đưa người bị nạn đi cấp cứu, truy bắt người phạm tội, người gây tai nạn bỏ chạy, cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy… thì thực hiện quyền huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức đề nghị hoặc yêu cầu.
Việc trưng dụng phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, các phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân được thực hiện theo quyết định của người có thẩm quyền và theo điều kiện, trình tự, thủ tục do Luật Công an nhân dân, Luật trưng mua, trưng dụng tài sản quy định.
Dự thảo nêu rõ, ngoài trang phục, trang thiết bị, phương tiện quy định cho CSGT, Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông được trang bị tối thiểu: Còi, gậy chỉ huy giao thông, găng tay trắng; áo phản quang; áo mưa CSGT và ủng đi mưa; xe môtô, bộ đàm cá nhân; súng, dùi cui điện, khóa số 8, loa pin cầm tay và hộp sơn đánh dấu hiện trường và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khác theo quy định của Bộ Công an.
“Việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ phải thực hiện theo quy định của pháp luật và Bộ Công an”- dự thảo nêu rõ.
Cách nhận biết âm hiệu còi trong chỉ huy, điều khiển giao thông
- Một tiếng còi dài, mạnh là ra lệnh dừng lại
- Một tiếng còi ngắn, nhanh là cho phép đi
- Một tiếng còi dài và một tiếng còi ngắn cho phép rẽ trái qua mặt
- Hai tiếng còi ngắn, mạnh là báo hiệu đi chậm lại
- Ba tiếng còi ngắn, nhanh là báo hiệu đi nhanh lên
- Thổi liên tiếp tiếng một, nhiều lần, mạnh là báo hiệu phương tiện dừng lại để kiểm soát hoặc báo hiệu phương tiện vi phạm.
Âm hiệu còi được sử dụng kết hợp với động tác chỉ huy, điều khiển giao thông.
Nhiều lực lượng cảnh sát phối hợp xử lý Dự thảo quy định, lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh, công an phường và công an xã có trách nhiệm phối hợp với CSGT bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khi được yêu cầu. Các lực lượng này khi được giao nhiệm vụ phối hợp với lực lượng CSGT tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các nút giao thông, các điểm phức tạp về trật tự an toàn giao thông, có trách nhiệm hướng dẫn, điều khiển giao thông, phân luồng, phân tuyến theo sự phân công của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông. Lực lượng cảnh sát điều tra, cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khi nhận được thông báo của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông về vụ Tai nạn giao thông từ nghiêm trọng trở lên hoặc sự cố liên quan đến cháy, nổ phương tiện phải kịp thời có mặt tại nơi xảy ra vụ việc để giải quyết theo quy định của pháp luật. |
Xem thêm video:
[mecloud]l4Ka9b3usa[/mecloud]
Cự Giải (tổng hợp)