Tin mới

Câu chuyện về người Việt ăn cắp và cách đối xử của cảnh sát Nhật Bản

Thứ năm, 03/07/2014, 15:41 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) “Ông cảnh sát tầm 50 tuổi người to béo đã rất nhẹ nhàng giải thích cho em đó hiểu hành động của mình là đồng phạm và em ấy đang đánh mất cả tương lai của mình. Em đó khóc, cuối cùng cũng nhận tội và mong\nsự nương nhẹ”.

(Tinmoi.vn) “Ông cảnh sát tầm 50 tuổi người to béo đã rất nhẹ nhàng giải thích cho em đó hiểu hành động của mình là đồng phạm và em ấy đang đánh mất cả tương lai của mình. Em đó khóc, cuối cùng cũng nhận tội và mong sự nương nhẹ”.

 

Ngày 2/7, Facebooker Phi Hoa đăng lên trang cá nhân câu chuyện về một tu nghiệp sinh người Việt Nam có hành vi ăn cắp tại Nhật Bản bị bắt và cách đối xử của cảnh sát Nhật đối với người này.

Câu chuyện đăng trên Facebook này đã nhanh chóng nhận được hơn 4.500 lượt like (yêu thích), hơn 1.000 lượt share (chia sẻ) và rất nhiều comment (bình luận) của các thành viên khác trên mạng xã hội.

Tác giả câu chuyện – Facebooker Phi Hoa - kể lại việc đi phiên dịch cho một vụ tu nghiệp sinh Việt Nam ăn cắp tại Nhật Bản và bị cảnh sát sở tại bắt giữ. Trái với suy nghĩ ban đầu của cô, cuộc thẩm vấn không hề có những lời to tiếng của cảnh sát đối với em tu nghiệp sinh, dù em này luôn miệng chối tội.

“Nhưng ông cảnh sát tầm 50 tuổi người to béo đã rất nhẹ nhàng giải thích cho em đó hiểu hành động của mình là đồng phạm và em ấy đang đánh mất cả tương lai của mình. Em đó khóc, cuối cùng cũng nhận tội và mong sự nương nhẹ”, Phi Hoa kể.

Theo tác giả câu chuyện, người cảnh sát Nhật Bản còn tỏ ra rất thông cảm và nói với em tu nghiệp sinh, đại ý rằng: Phải ý thức được mình sang Nhật để lao động kiếm tiền cho gia đình cho tương lai mình, phải mang niềm tự hào về bản thân mình và đất nước mình. Bởi chỉ vì mình ăn cắp mà bao người Việt Nam làm việc chăm chỉ khác không làm gì cũng sẽ bị người Nhật dè bỉu và đánh đồng. Người cảnh sát liên tục nói phải có niềm tự hào về bản thân để có dũng cảm từ chối không tham gia khi bị bạn xấu lôi kéo.

Trước khi sang Nhật Bản, người lao động được phổ biến các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Ảnh: Người Lao Động.

Kết thúc câu chuyện của mình, Facebooker Phi Hoa nhắn nhủ đến mọi người: “Chúng ta những người Việt sống ở nước ngoài, dù không được ai trao vương miện đại sứ du lịch, dù không được báo chí tung hô, dù chúng ta làm công việc nhàn hạ hay vất vả, xuất thân giàu có hay nghèo khổ - CHÚNG TA ĐỀU LÀ NHỮNG ĐẠI SỨ của đất nước mình. Hành động chúng ta làm sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến đánh giá của nước ngoài về Việt Nam”.

“Điều hàng ngày bạn làm rất bình dị là tuân thủ pháp luật khi ở nước ngoài còn có giá trị PR đất nước hơn gấp nhiều lần những em chân dài đội vương miện quảng bá Việt Nam với cái tâm rỗng tuếch”, Phi Hoa nhấn mạnh.

Câu chuyện và những lời nhắn nhủ của Phi Hoa đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng của rất nhiều người. Bên cạnh bài học về việc mỗi người Việt Nam ra nước ngoài là một đại sứ quảng bá hình ảnh đất nước, một số ý kiến tỏ ra khâm phục cách cư xử đối với người phạm tội của viên cảnh sát Nhật Bản trong câu chuyện, và so sánh với nước ta.

Sau đây là nguyên văn câu chuyện được đăng tải trên trang cá nhân của Facebooker Phi Hoa:

"Hôm nay đi phiên dịch cho một vụ tu nghiệp sinh Việt Nam ăn cắp ở combini tại sở cảnh sát. Em thanh niên 19 tuổi, vừa sang Nhật được 2 tháng - là đồng phạm làm nhiệm vụ đánh trống lảng nhân viên bán hàng để bạn mình lấy cắp 2 chai rượu trị giá hơn 2 nghìn yen (400 nghìn).

Em đó bị còng tay và dắt đi vào phòng, tôi tưởng cuộc thẩm vấn sẽ diễn ra với nhiều lời to tiếng của người cảnh sát vì em tu nghiệp sinh này luôn miệng chối tội rằng mình không biết gì trong lần thẩm vấn trước!

Nhưng ông cảnh sát tầm 50 tuổi người to béo đã rất nhẹ nhàng giải thích cho em đó hiểu hành động của mình là đồng phạm và em ấy đang đánh mất cả tương lai của mình. Em đó khóc, cuối cùng cũng nhận tội và mong sự nương nhẹ.

Giờ ăn trưa mình cũng giải thích thêm rằng mỗi tu nghiệp sinh sang Nhật thường phải trả một khoản tiền lớn 200 triệu đồng và nếu bị cho về nước thì sẽ rất khó khăn để trả món nợ đó!

Người cảnh sát có vẻ thông cảm và sau đó nói với em móc túi rằng: Phải ý thức được mình sang Nhật để lao động kiếm tiền cho gia đình cho tương lai mình, phải mang niềm tự hào về bản thân mình và đất nước mình. Bởi chỉ vì mình ăn cắp mà bao người Việt Nam làm việc chăm chỉ khác không làm gì cũng sẽ bị người Nhật dè bỉu và đánh đồng.

Người cảnh sát liên tục nói phải có niềm tự hào về bản thân để có dũng cảm từ chối không tham gia khi bị bạn xấu lôi kéo. Ông quay sang nói với tôi rằng mình muốn đưa cả gia đình sang Việt Nam du lịch rồi thì nghe nói đồ ăn Việt Nam ngon. Em tu nghiệp sinh đó cuối cùng chắc đã hiểu và cảm động với thái độ của người cảnh sát.

Khi ra về, ông cảnh sát nói với tôi: cảnh sát có 2 nhiệm vụ chính. Một là bắt kẻ phạm tội. Hai là giáo dục người đã phạm tội không bao giờ tái phạm hoặc răn đe để người bình thường không phạm tội.

Câu chuyện hôm nay giúp tôi càng ý thức hơn - và muốn truyền đến người đọc những dòng này rằng: Chúng ta những người Việt sống ở nước ngoài, dù không được ai trao vương miện đại sứ du lịch, dù không được báo chí tung hô, dù chúng ta làm công việc nhàn hạ hay vất vả, xuất thân giàu có hay nghèo khổ - CHÚNG TA ĐỀU LÀ NHỮNG ĐẠI SỨ của đất nước mình. Hành động chúng ta làm sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến đánh giá của nước ngoài về Việt Nam.

Điều hàng ngày bạn làm rất bình dị là tuân thủ pháp luật khi ở nước ngoài còn có giá trị PR đất nước hơn gấp nhiều lần những em chân dài đội vương miện quảng bá Việt Nam với cái tâm rỗng tuếch”.

Duy Minh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news