Tin mới

Châu Á - Thái Bình Dương 'kêu cứu' vì khủng hoảng khí hậu

Thứ ba, 24/12/2019, 17:35 (GMT+7)

Châu Á - Thái Bình Dương, khu vực dễ bị thiên tai nhất thế giới đang cảm nhận được thực tế khắc nghiệt từ cuộc khủng hoảng khí hậu năm 2019.

Sương khói độc hại bao trùm các siêu đô thị của châu Á, hàng trăm người chết vì lũ lụt và lở đất, bão lốc đổ bộ vào bờ và cháy rừng, hạn hán, nắng nóng khiến các thị trấn, thành phố gần như cạn kiệt nước. Các nhà khoa học nói rằng cuộc khủng hoảng khí hậu đang gây ra nhiều sự kiện thời tiết cực đoan hơn và nó đã gây ra hậu quả tàn khốc khắp châu Á - Thái Bình Dương.

"Chuỗi thiên tai không ngừng" suốt 2 năm qua đã "vượt xa những gì mà khu vực từng trải qua hoặc có thể dự đoán", một báo cáo của Ủy ban Kinh tế và Xã hội của LHQ cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương đưa ra hồi tháng 8 cho biết. "Đây là dấu hiệu của những thứ sẽ đến trong thực tế khí hậu mới".

Việc biệu tình kêu gọi hành động vì khí hậu đã được thực hiện ở vô số diễn đàn, hội nghị thượng đỉnh và cam kết trong năm nay. Nhưng, trong khi nhiều người tại các nước phát triển coi khủng hoảng khí hậu là một vấn đề cấp bách trong tương lai thì với hàng triệu người sống tại châu Á - Thái Bình Dương, nó đang thực sự ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Những người ở tuyến đầu nói rằng khi thế giới chuyển sang thập kỷ mới, lời nói phải chuyển thành sự thay đổi rõ rệt.

Sinh viên tham gia một cuộc biểu tình kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu tại Chennai, Ấn Độ ngày 29/11/2019. Ảnh: CNN

Châu Á chịu tác động nặng nề nhất từ khủng hoảng khí hậu

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi cư trú của 60% dân số thế giới, là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất của khủng hoảng khí hậu.

Thêm vào vấn đề là sự đô thị hóa nhanh tại nhiều nước châu Á. Tốc độ phát triển của những nước này thường vượt qua quy hoạch cơ sở hạ tầng thích hợp.

Bùng nổ dân số và sự di cư ồ ạt của người dân đến các thành phố để làm việc đã gây căng thẳng cho nguồn cung cấp nước và thực phẩm.

Nhiều thành phố lớn của châu Á như Mumbai, Thượng Hải, Bangkok, TP.HCM và Jakarta nằm ven biển hoặc là vùng trũng. Vì vậy, chúng dễ bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác.

Những thập kỷ tới sẽ chứng kiến sự tăng trưởng của các siêu đô thị khi dân số thế giới ngày cảng chuyển dịch vào môi trường đô thị. Ảnh: CNN

Các nước châu Á đang phát triển nhanh, công nghiệp hóa và phụ thuộc vào than có mức phát thải carbon dioxide ngày càng tăng, bất chấp nỗ lực hướng tới năng lượng sạch hơn của các nước như Ấn Độ, Trung Quốc.

Khi sự giàu có về vật chất tăng lên, thị trường tiêu dùng cũng như nhu cầu về các tiện ích tạo ra khí thải như điều hòa, ô tô và hàng hóa dùng một lần cũng tăng theo.

Trong khi các thành phố giàu có như Hong Kong có thể đủ khả năng chống lại thảm họa, ở một mức độ nào đó, thì ở phần còn lại, những người dân nghèo đói đang sống ở những nơi bấp bênh nhất về môi trường trên Trái đất. Đó là những nơi mà các sự kiện thời tiết cực đoan có thể gây ra thảm họa cho sinh mạng, sản xuất lương thực, nguồn nước, kinh tế và cơ sở hạ tầng.

"Nếu chúng ta không có hành động khí hậu cấp bách ngay bây giờ thì chúng ta đang hướng đến việc nhiệt độ tăng thêm 3 độ C vào cuối thế kỷ này với những tác động nguy hại chưa từng thấy lên đời sống con người", Tổng thư ký của Tổ chức Khí tượng Thế giới Petteri Taalas tuyên bố. "Chúng ta hiện không làm gì để đáp ứng mục tiêu của Thỏa thuận Khí hậu Paris".

Mực nước biển đang tăng

Quốc đảo Tuvalu nằm dưới mực nước biển ở Nam Thái Bình Đương được Chương trình Phát triển LHQ phân loại là vùng "cực dễ bị tổn thương" do biến đổi khí hậu. Ảnh: CNN

Là một cư dân của đảo Samoa thấp hơn mực nước biển ở Thái Bình Dương, Tagaloa Cooper-Halo đã có những trải nghiệm về biến đổi khí hậu. "Mực nước biển đang dâng lên. Chúng tôi dự kiến mực nước biển sẽ dâng trong khoảng 20 năm thì mới thấy được thay đổi. Nhưng giờ thì chúng tôi đang thấy nó", Cooper-Halo, hiện là Giám đốc Khả năng Phục hồi Biến đổi Khí hậu tại Ban thư ký Chương trình Môi trường Khu vực Thái Bình Dương (SPREP) nói.

Trong một báo cáo mang tính bước ngoặt trong năm nay, Hội đồng Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của LHQ (IPCC) đã xác nhận mực nước biển toàn cầu dâng nhanh hơn dự kiến.

Một nghiên cứu được công bố hồi tháng 5 cho thấy phát thải khí nhà kính tăng lên, nhiệt độ ấm lên, băng tan chảy và các tảng băng biến mất khiến mực nước biển dâng hơn 2m đến cuối thế kỷ này nếu như mức pahts thải không được kiểm soát.

Cứ 2 mét nước dâng lên sẽ khiến 187 triệu người phải di dời, chủ yếu họ đến từ châu Á và những thành phố trũng như Thượng hải. Một nghiên cứu khác cho thấy ở Đông Nam Á, miền nam Việt Nam và Bangkok có thể chìm dưới nước vào năm 2050.

Thích ứng được với mực nước biển dâng sẽ là thách thức lớn đối với châu Á - Thái Bình Dương, theo Chương trình Phát triển LHQ. Các biện pháp bao gồm bảo vệ bờ biển và cơ sở hạ tầng, khôi phục rừng ngập mặn và xác định những khu vực có nguy cơ bị ngập lụt.

Bà Cooper-Halo cho biết các quốc gia Thái Bình Dương đã buộc phải thích nghi, lắp đặt những trạm quan trắc để đo mực nước biển dâng và trồng các loại cây chịu được nước mặn. Chế độ ăn cũng đã thay đổi khi tình trạng axit hóa đại dương và tẩy trắng san hô làm giảm lượng cá, bà nói thêm. "Khi tài nguyên không còn dồi dào như trước, nó sẽ làm thay đổi sự phụ thuộc của bạn. Bạn trở nên phục thuộc nhiều hơn vào thực phẩm chế biến. Và do đó, chúng ta phải nhập khẩu nhiều thực phẩm chế biến để thay đổi cách ăn. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta".

Giông bão ngày càng dữ dội

Một người dân đi giữa tàn tích ngôi nhà của mình sau khi bão Kammuri đổ bộ vào thành phố Sorsogon, miền nam Manila, Philippines. Ảnh: CNN

Khoảng 2,4 tỷ người, một nửa là dân châu Á, sống tại những khu vực dễ bị tổn thương bởi các sự kiện thời tiết khắc nghiệt. Năm nay, mưa xối xả gây lũ lụt và lở đất đã quét qua Ấn Độ, Nepal, Pakistan và Bangladesh, tàn phá các quốc gia này và khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ, Bangladesh, Hàn Quốc, Thái Lan, Sri Lanka và Philippines đều chịu ảnh hưởng bởi các cơn giông, bão, siêu bão vào năm 2019. Thiệt hại là hàng chục người chết, hàng trăm nghìn người mất nhà cửa và gây mất hàng triệu đô la.

Cuộc khủng hoảng khí hậu dự kiến sẽ còn tạo ra những cơn bão lớn hơn, lượng mưa tăng và những cơn gió mạnh hơn.

Joanna Sustento đã vận động hành động cho khí hậu kể từ sau khi bão Haiyan tàn phá quê nhà cô ở Tacloban, Philippines năm 2013. Sustento đã mất cả bố mẹ, anh trai, chị dâu và cháu trai trong cơn bão. "Chúng tôi trải qua trung bình 20 cơn bão mỗi năm và chúng ngày càng thường xuyên, dữ dội hơn. Điều đó có ý nghĩa gì với cộng đồng người Philippines? Nó có nghĩa là nhà cửa và sinh kế bị thiệt hại, mất đi người thân, mất quyền tiếp cận với thực phẩm và nước sạch, bị tước đoạt sự an toàn của bản thân", cô nói với CNN. "Bất cứ khi nào một sự kiện thời tiết khắc nghiệt xảy ra, chúng ta sẽ mất đi quyền cơ bản của con người đối với một cuộc sống an toàn, đàng hoàng, tử tế".

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, 7 trong số 10 thảm họa gây thiệt hại kinh tế lớn nhất thế giới từ năm 1970-2019 là các cơn bão nhiệt đới. Thiệt hại kinh tế cao từ các cơn bão có thể làm tê liệt những nước nghèo. Trong năm 2015, cơn bão Pam mạnh cấp 5 đã khiến quốc đảo Vanuatu ở Thái Bình Dương chịu thiệt hại tương đương 64% GDP.

Tất cả các thành phố dễ bị bão tấn công đều chịu áp lực cải thiện cơ sở hạ tầng và lập kế hoạch đúng đắn cho sự phát triển tương lai. Đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm đã cứu được vô số sinh mạng.

Chuẩn bị đối phó với thời tiết khắc nghiệt hơn rất tốn kém, do đó, các nước giàu mới được kêu gọi để cung cấp tài chính và công nghệ cho những nước có nền kinh tế nhỏ hơn để phục hồi sau tác động của khủng hoảng khí hậu.

Sustento cho biết các công ty nhiên liệu hóa thạch cũng cần làm phần việc của mình đó là tăng tốc độ chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. "Chúng ta không nên cho phép ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch tiếp tục kinh doanh như bình thường, trong khi chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sống với "sự bình thường mới", đó là đếm số người chết, tìm kiếm người mất tích và lo sợ cho tương lai của mình", bà nói.

Tình trạng thiếu nước trở nên tồi tệ hơn

Những người phụ nữ lấy nước từ một cái hố ở Chennai, Ấn Độ ngày 11/6/2019. Ảnh: CNN

Khi khủng hoảng khí hậu khiến lượng mưa và mùa mưa hàng năm trở nên thất thường thì tình trạng hạn hán và thiếu nước sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

5 năm qua là những năm nóng nhất trong lịch sử và đã có những đợt sóng nhiệt kinh khủng nhất được cảm nhận ở Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Úc. Một nhóm các nhà nghiên cứu tại MIT cho rằng một số nơi còn có thể trở nên nóng tới mức không sống được.

Năm nay, thành phố lớn thứ 6  của Ấn Độ là Chennai gần như đã cạn kiệt nước. 4 hồ chứa cung cấp nước cho gần 5 triệu dân của thành phố gần như đã khô cạn. Mọi người xếp hàng để lấy nước vào can ở khắp thành phố. Các bệnh viện đãk hông có nước để làm phẫu thuật hay khử trùng thiết bị.

Khắp Ấn Độ, 600 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước cấp tính. Và cuộc khủng hoảng này dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn khi các sông băng ở Himalaya tan chảy, các giếng khoan ở Ấn Độ có nguy cơ cạn kiệt.

"Chúng ta có một nền kinh tế nơi mà dân số đang ngày càng tăng, ngành công nghiệp đang phá triển. Vì vậy, các bạn cần thêm 40% nước cho ngành công nghiệp, cần thêm nước cho người dân. Các bạn cần thêm nước cho mọi thứ", Jyoti Sharma, người sáng lập và chủ tịch FORCE, một tổ chức phi chính phủ tại Ấn Độ.

Một báo cáo mới trong tháng này cho biết 1/4 dân số thế giới đang sống tại những khu vực mà tài nguyên nước không đủ cho nhu cầu của người dân. Những cuộc khủng hoảng nước "trước kia không thể tượng tượng" trở nên ngày càng phổ biến.

"Khủng hoảng nước là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà không ai nói đến. Hậu quả của nó rõ ràng giống như mất an ninh lương thực, xung đột và di cư, bất ổn tài chính", Andrew Steer, chủ tịch và CEO của Viện Tài nguyên Thế giới cho biết.

Ở Ấn Độ, quy hoạch và phát triển đô thị đúng đắn sẽ là con đường phía trước, theo bà Sharma. "Để hệ thống nước hiệu quả hơn, khiến các đường ống, vòi dẫn và hệ thống tưới tiêu hiệu quả hơn. Tôi nghĩ đó là những gì sẽ cứu chúng ta khỏi cuộc khủng hoảng phía trước".

10 năm tới

Thế giới hiện nay đã ấm hơn 1,1 độ so với thời điểm bắt đầu Cách mạng Công nghiệp và theo các kịch bản hiện tại, lượng khí thải carbon cần giảm xuống 7,6% mỗi năm trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, lượng khí thải vẫn đang tăng lên.

Hội nghị Biến đổi Khí hậu LHQ đầu tháng này đã nhấn mạnh đến sự mất kết nối lớn giữa các quốc gia ô nhiễm nhất thế giới và yêu cầu thay đổi theo cộng đồng toàn cầu. Nhiều nhà quan sát, các nhà khoa học và các nhà hoạt động khí hậu đã kêu gọi nhưng kết quả đều thất bại.

Những người bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tại châu Á không còn nhiều thời gian để hành động. Đầu hàng không phải là một lựa chọn, Cooper-Halo nói. "Tại Thái Bình Dương, người dân đã ý thức được thực tế này trong nhiều năm nay", bà nói. Giờ đây, các quốc gia cần hành động.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news