Một vết nứt khổng lồ, kéo dài hàng nghìn mét đã bất ngờ xuất hiện ở phía tây nam Kenya.
Trái Đất là một hành tinh luôn thay đổi, mặc dù trong một vài khía cạnh, sự thay đổi đó không đủ mạnh để chúng ta chú ý. Tuy nhiên, đối với các nhà khoa học, địa chất là một trong những lĩnh vực đáng chú ý bởi đó là con đường để họ "bắt mạch" đo sức khỏe của Trái Đất. Nghiên cứu mảng kiến tạo là một minh chứng rõ ràng nhất.
Dưới đây là bài nghiên cứu của Lucia Perez Diaz, nghiên cứu sinh bậc sau Tiến sĩ, thuộc trường đại học nghiên cứu chuyên sâu hàng đầu của Vương quốc Anh - Trương Hoàng gia Holloway.
Châu Phi đối mặt nguy cơ bị vỡ làm đôi trong tương lai?
Các nghiên cứu ngày nay gợi ý rằng các siêu lục địa hình thành theo các chu kỳ, hợp lại và tách ra bởi chuyển động của các mảng kiến tạo, với chu kỳ xấp xỉ 250 triệu năm.
Và ở châu Phi, mảng châu Phi đang chuyển động khiến cho quá trình lục địa này đang có nguy cơ vỡ đôi trong tương lai. Bằng chứng là một vết nứt lớn kéo dài hàng nghìn mét đã bất ngờ xuất hiện đầu năm 2018 ở phía tây nam Kenya.
Một vết nứt lớn kéo dài hàng nghìn mét đã bất ngờ xuất hiện đầu năm 2018 ở phía tây nam Kenya. Ảnh: Google Earth. Data SIO, NOAA, US Navy, NGA, GEBCO. |
Ban đầu các nhà địa chất học nhận định, sự xuất hiện của vết nứt có liên quan đến hoạt động kiến tạo dọc theo đới tách giãn Đông Phi (East African Rift). Tuy nhiên, sau quá trình nghiên cứu, họ cho rằng đây là một vết tách giãn.
Câu hỏi đặt ra là tại sao vết tách giãn này lại hình thành tại tây nam Kenya và sự hình thành của nó có liên quan đến đới tách giãn Đông Phi hay không? Và liệu nó có góp phần đẩy nhanh quá trình châu Phi vỡ làm đôi hay không?
Theo nghiên cứu của các nhà địa chất, đới tách giãn Đông Phi là một phần của Thung lũng tách giãn Lớn, là một ranh giới mảng tách giãn đang phát triển, trải dài hơn 3.000 km từ phía bắc Vịnh Aden đến phía nam Zimbabwe, chia mảng châu Phi thành hai phần không bằng nhau: Các mảng Somali và Nubian.
Tốc độ dịch chuyển của mảng châu Phi ước tính khoảng 2,15 cm/năm. Nó đã chuyển động trong khoảng trên 100 triệu năm qua, theo hướng chính là hướng đông bắc.
Hoạt động dọc theo nhánh phía đông của Thung lũng tách giãn Lớn (chạy dọc theo Ethiopia, Kenya và Tanzania) trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết khi vết tách giãn lớn dài hàng nghìn mét đột nhiên xuất hiện ở phía tây nam Kenya.
Kịch bản nào cho châu Phi?
Đới tách giãn Đông Phi kéo dài từ ngã ba Afar ở miền võng Afar xuyên qua miền đông châu Phi về phía nam. Đây một đới tách giãn có hoạt động bất thường trên vỏ đại dương trên thế giới.
Theo nghiên cứu của các nhà địa chất, về phía khu vực Afar, toàn bộ tầng thung lũng rạn nứt được bao phủ bởi đá núi lửa. Điều này cho thấy rằng, trong khu vực này, thạch quyển đã mỏng đi gần đến mức vỡ hoàn toàn.
Khi điều này xảy ra, một đại dương mới sẽ bắt đầu hình thành bởi sự hóa cứng magma trong vùng không gian được tạo ra bởi các mảng vỡ. Cuối cùng, sau hàng chục triệu năm, sự lan rộng dưới đáy biển sẽ tiến triển dọc theo toàn bộ chiều dài của khe nứt.
Đại dương sẽ tràn vào và do đó, lục địa châu Phi sẽ trở nên nhỏ hơn và sẽ xuất hiện một hòn đảo lớn ở Ấn Độ Dương, bao gồm Ethiopia và Somalia, và cả Sừng châu Phi.
Tại sao sự tách giãn lại xảy ra?
Thạch quyển là lớp vỏ cứng ngoài cùng nhất của các hành tinh đất đá. Trên Trái Đất, thạch quyển bao gồm lớp vỏ và tầng trên cùng nhất của lớp phủ, với đặc trưng nổi bật nhất là tính trôi dạt.
Khi thạch quyển chịu một lực kéo dài theo chiều ngang, nó sẽ giãn ra, trở nên mỏng hơn. Cuối cùng, nó sẽ vỡ, dẫn đến sự hình thành của một thung lũng tách giãn. Quá trình này được đi kèm với các biểu hiện bề mặt dọc theo thung lũng tách giãn dưới dạng núi lửa và hoạt động địa chấn.
Hình ảnh đới tách giãn Đông Phi (East African Rift) - màu nâu. Nguồn: Creativecommons |
Các thung lũng tách giãn là giai đoạn ban đầu của việc một lục địa bị vỡ ra, và nếu thành công, có thể dẫn đến sự hình thành một lưu vực đại dương mới.
Một ví dụ điển hình cho việc lục địa vỡ ra và hình thành một lưu vực đại dương mới trên Trái Đất chính là khu vực Nam Đại Tây Dương, kết quả của sự vỡ đôi của Nam Mỹ và châu Phi khoảng 138 triệu năm trước.
Tính cho đến nay, do sự chuyển động không ngừng nên thạch quyển Trái Đất vỡ ra thành 7 địa mảng chính, gồm: Mảng Thái Bình Dương; Mảng Á-Âu; Mảng Ấn-Úc; Mảng châu Phi; Mảng Bắc Mỹ; Mảng Nam Mỹ; và Mảng Nam Cực.
Nghiên cứu được xuất bản trên The Convers.
Bài viết sử dụng nguồn: Sciencealert
Trang Ly
Theo Helino/Trí thức trẻ