Khi nhắc đến UFO (các vật thể bay không xác định) bay qua Trái Đất, người ta thường nghĩ đến việc người ngoài hành tinh ghé thăm các quốc gia như Mỹ hay Trung Quốc. Dù vậy, UFO cũng từng ghé thăm Việt Nam trong quá khứ. Thậm chí ngay cả lịch sử thời xưa cũng đã ghi chép lại nhiều lần người dân đụng độ các vật thể bay này.
Trong những bộ chính sử lớn như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục… không khó để thấy những hiện tượng được nhắc tới như sao rơi (sao băng), “trăng phạm sao”, sao Chổi mọc ở vị trí sao Chẩn, mặt trời có hai quầng, hai mặt trời cùng xuất hiện…
Mưa sao băng hay còn được người Việt xưa miêu tả với tên gọi "sao rơi". Ảnh: Internet
Đặc biệt, sử sách ghi lại người dân tại Hải Dương từng nhiều lần bắt gặp các UFO trên bầu trời. Vốn là một vùng đất cổ được mệnh danh "địa linh nhân kiệt", sử sách ghi chép lại lần xuất hiện rõ nhất của UFO là vào năm 1777.
Trong Lan Trì kiến văn lục có đoạn viết như sau: “Vào một đêm mưa phùn tháng 5, năm Đinh Dậu [1777] niên hiệu Cảnh Hưng, giữa vùng núi non ở xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh bỗng bùng lên ba đống lửa ma, to như quầng sáng lớn, soi sáng khắp núi rừng. Những đám ma trơi trong đó cứ xếp thành hàng mà tách ra, bay vào rừng sâu, xa đống lửa ma thì nhỏ dần và biến mất. Cứ như thế mấy đêm liền, mọi người đều thấy rõ. Có người bạo dạn, đến gần xem thì lại không thấy gì nữa”.
Ảnh minh họa.
Sách Chí Linh phong vật trí cũng miêu tả về quầng sáng xuất hiện tại xã Kiệt Lặc, huyện Chí Linh. Tại tiểu mục về tổng Chi Ngại có chép một bài thơ viết về những chuyện lạ dị thường, trong đó có câu: “Khoáng sơn tế đảo lẫm sơ thâu”; nghĩa là: Đám lửa đỏ dọc ngang làm mắt tục sợ hãi; dịch thơ là câu: Hồng khí tung hoành kinh mắt tục.
Tục xưa truyền lại rằng sự kiện này được chứng kiến bởi một người dân trong xã đi săn vào ban đêm. Người này thấy một vệt đỏ giống mặt trời, rực sáng đến đáng sợ. Thợ săn này đã giương cung lên bắn rồi nằm xuống đất để xem động tĩnh. Miêu tả lại, tục truyền cho biết anh ta thấy vật đó quay tứ phía khiến cây cối xung quanh bị phá hủy, sau đó vụt biến mất.
Ngoài Hải Dương, sách sử còn ghi chép lại nhiều địa phương trên cả nước cũng từng chạm mặt các vật thể bay không xác định.
Ảnh minh họa
Vào năm 1582, Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép một hiện tượng hy hữu như sau: "Bấy giờ ở xã Đông Hồi, huyện Quỳnh Lưu xứ Nghệ An có hòn đá trắng to, không biết từ đâu đến, từ trong cửa biển nhảy lên đất phẳng, cách đất 15 trượng rồi dừng lại. Người thổ trước cho là linh dị, làm đền thờ".
Đối chiếu thêm với một ghi chép trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục: "Nhâm Ngọ, năm thứ 5 (tức 1582). (Mạc, năm Diên Thành thứ 5 - Minh, năm Vạn Lịch thứ 10). Cửa biển Đông Hồi có hòn đá trắng lớn từ trong nước vọt lên mặt đất cách chỗ nước 15 trượng mới sa xuống. Người bản thổ cho là thiêng liêng kỳ dị, bèn lập đền thờ để thờ hòn đá ấy. (Đông Hồi: Tên thôn thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An)".
Hai ghi chép này đều không xác định rõ mốc thời gian và điều khiến nhiều người có thể thắc mắc là hình ảnh một "hòn đá màu trắng" có thể tự bay/nhảy từ dưới biển lên, rồi "cách chỗ nước 15 trượng mới sa xuống" ấy là gì?
Ảnh minh họa
Tiếp theo đó, vào năm 1618 lại có rất nhiều các hiện tượng kỳ lạ trên bầu trời Việt Nam. Ba ghi chép trích dẫn từ Đại Việt sử ký toàn thư dưới đây ghi lại:
- Năm 1618, (Minh Vạn lịch thứ 46), tháng 4, ngày 24, giờ Dần có sao chổi mọc ở phương Tây Nam, hình như tấm lụa đỏ.
- Năm 1618, tháng 4, ngày 28, giờ Dần, có sao chạy thẳng về phương Tây hình như tấm lụa.
- Năm 1618, tháng 9, bấy giờ có khí trắng hình như cái bùa đứng thẳng, mỗi đêm canh năm thường hiện ra ở phương Đông - Nam, từ hạ tuần tháng ấy đến thượng tuần tháng 10 mới mất.
Với người xưa, đó là những hiện tượng không thể lý giải. Phải chăng từ xa xưa, UFO đã từng nhiều lần ghé thăm Việt Nam, hay đó chỉ là những hiện tượng thiên nhiên hay những khoảnh khắc thú vị từ vũ trụ?