Tin mới

Chuyên gia khuyến cáo 9 loại thuốc và 6 thiết bị cần chuẩn bị để cách ly, điều trị F0 tại nhà

Thứ tư, 12/01/2022, 08:31 (GMT+7)

Theo các chuyên gia, nhiều người dân đã tự ý mua và dự trữ các loại thuốc, thực phẩm chức năng để điều trị Covid-19 khi không có chỉ định của bác sĩ. Điều này rất nguy hiểm.

Liên tục nhiều ngày nay, Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước về số mắc COVID-19, đặc biệt trong gần 1 tuần qua, số ca Covid-19 của địa phương này đều trên 2.500 trường hợp/ ngày, trong đó ngày 11/1 đã gần chạm mốc 2.900 ca. Tính từ ngày 29/4/2021, Hà Nội đã ghi nhận 76.674 ca trong đợt dịch lần 4.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến hết ngày 10/1, toàn TP có hơn 48.500 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly; trong đó có 38.685 F0 điều trị tại nhà; số còn lại điều trị tại cơ sở thu dung thuộc tầng 1; tại bệnh viện tầng 2 và 3.

F0 cần tránh sử dụng rượu/bia, thuốc lá, ma túy, các loại thức ăn nước uống có chất kích thích. Ảnh minh hoạ
F0 cần tránh sử dụng rượu/bia, thuốc lá, ma túy, các loại thức ăn nước uống có chất kích thích. Ảnh minh hoạ

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều người dân đã tự ý mua và dự trữ các loại thuốc, thực phẩm chức năng khi không có chỉ định của bác sĩ. Theo nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc, điều trị F0 tại nhà, đây là một thực trạng đáng lo ngại.

Chia sẻ về vấn đề này, TS.BS Hoàng Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, Học viện Quân y khuyến cáo, người dân tự ý mua, uống thuốc không theo hướng dẫn khuyến cáo của bác sĩ sẽ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

BS. Tuấn cũng đưa ra lời khuyên cho người dân khi trở thành F1 hoặc F0 cần dự phòng một số thuốc và trang bị vật tư để đảm bảo cách ly và tự điều trị gồm: 

- Các thuốc hạ sốt: Efferalgan, Panadol…

- Nhóm các thuốc chữa ho;

- Nhóm các thuốc tiêu chảy;

- Nước súc miệng;

- Cồn sát trùng;

- Các thuốc bệnh nền nếu F0 có bệnh nền (nên chuẩn bị đủ cho 4 tuần);

- Các loại thuốc xịt mũi;

- Vitamin C, kẽm, các loại thảo dược trị cảm, trị ho;

- Nước uống thông thường, nước bù điện giải.

"Các loại nước này vô cùng quan trọng khi bạn bị sốt và đặc biệt khi nhiễm COVID-19. Uống đủ lượng nước cần thiết có thể giúp duy trì sự ổn định của niêm mạc mũi, giảm kích ứng khó chịu khi ho, hắt hơi hay thậm chí là thở. Độ ẩm này giữ cho bề mặt niêm mạc dễ lành hơn và giúp chống lại sự xâm nhập thêm của vi khuẩn bên ngoài", trên Sức khoẻ đời sống dẫn lời TS.BS Hoàng Thanh Tuấn nhấn mạnh.

Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên về nhóm các thuốc không nên dự phòng, không nên tự điều trị, đó là thuốc: Kháng sinh, Kháng viêm, Kháng virus. Ảnh minh hoạ
Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên về nhóm các thuốc không nên dự phòng, không nên tự điều trị, đó là thuốc: Kháng sinh, Kháng viêm, Kháng virus. Ảnh minh hoạ

Cũng theo BS Tuấn, đây là các thuốc cần có trong tủ thuốc gia đình, đặc biệt trong mùa dịch vì triệu chứng có thể xuất hiện bất kể lúc nào. Các triệu chứng của COVID-19 lại thường xuất hiện vào ban đêm nên những thuốc này cần có để chúng ta có thể dùng ngay.

Ngoài những loại thuốc trên, người dân cần dự phòng các thiết bị cần thiết để cho việc tự cách ly, tự theo dõi sức khỏe cho bản thân và gia đình như:

Nhiệt kế; Máy đo SpO2; Que test nhanh; Khẩu trang; Găng tay y tế; Các máy theo dõi bệnh nền.

Chuyên gia này cũng lưu ý, mọi điều trị, chỉ định của bác sĩ cần cá thể hoá và phù hợp với từng bệnh nhân nên mọi người hết sức lưu ý không tự tiện mua và dùng thuốc sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bên cạnh đó, khi trở thành F1, F0, mỗi người cần chuẩn bị thêm:

Lương thực đủ cho thời gian cách ly (nếu 1 mình);

Dung dịch vệ sinh nhà cửa và khử khuẩn;

Giấy vệ sinh, khăn giấy, quần áo thoải mái;

Chỗ ở cách ly đảm bảo quy định;

Số điện thoại của các cơ sở y tế trong khu vực, phòng cấp cứu và các tài liệu, hướng dẫn cập nhật nhất về phòng chống dịch.

Gia đình có trẻ em, nên chuẩn bị thuốc dạng bột để pha nước cho trẻ uống hoặc viên nang đặt hậu môn để dễ dàng hơn cho trẻ tiếp nhận thuốc đó. Thuốc này không cần bác sĩ chỉ định, nếu sốt trên 38 độ C là có thể chủ động dùng thuốc. Ảnh: TTXVN
Gia đình có trẻ em, nên chuẩn bị thuốc dạng bột để pha nước cho trẻ uống hoặc viên nang đặt hậu môn để dễ dàng hơn cho trẻ tiếp nhận thuốc đó. Thuốc này không cần bác sĩ chỉ định, nếu sốt trên 38 độ C là có thể chủ động dùng thuốc. Ảnh: TTXVN

Trước đó, bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, cũng đưa ra những lưu ý trong sử dụng thuốc hạ sốt và những dấu hiệu bị suy hô hấp cũng như cách dùng các loại thuốc kháng đông, kháng viêm với F0 điều trị tại nhà.

Theo đó, F0 điều trị tại nhà (từ 18 tuổi trở lên) ở Hà Nội được phát miễn phí 3 gói thuốc, trong đó có gói B, gồm nhóm thuốc kháng viêm (như Dexamethasone hoặc Methylprednisolone) và chống đông (như Rivaronxaban, Apixaban, Dabigatran).

"Không dùng khi chưa có biểu hiện suy hô hấp và đặc biệt là không phải chỉ cần dùng thuốc này là F0 sẽ yên tâm ở nhà, đây là loại thuốc dùng khi chờ liên hệ bác sĩ hỗ trợ", trên Người lao động dẫn lời bác sĩ Hải Ninh lưu ý.

F0 điều trị tại nhà cần uống nhiều nước. Nước hỗ trợ giảm nhiệt độ cơ thể. Có thể uống oresol, pha đúng tỉ lệ ghi trên bao bì. Ảnh minh hoạ
F0 điều trị tại nhà cần uống nhiều nước. Nước hỗ trợ giảm nhiệt độ cơ thể. Có thể uống oresol, pha đúng tỉ lệ ghi trên bao bì. Ảnh minh hoạ

Trưởng khoa Nội tổng hợp, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng lưu ý, nếu F0 không sốt thì không có chỉ định dùng paracetamol, vì thuốc chỉ có tác dụng làm hạ nhiệt, không có tác dụng dự phòng. F0 chỉ uống hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể trên 38 độ C.

Chuyên gia khuyến cáo 9 loại thuốc và 6 thiết bị cần chuẩn bị để cách ly, điều trị F0 tại nhà - Ảnh 1

Ngoài thuốc hạ sốt, các loại thuốc xịt mũi họng, nước muối sinh lý rửa mũi rửa họng, súc họng, các gia đình cũng nên chuẩn bị sẵn. F0 điều trị tại nhà duy trì tối thiểu việc rửa súc họng bằng nước muối sinh lý 3 lần/ngày, nhiều hơn có thể từ 4-5 lần/ ngày, không có yêu cầu đặc biệt gì về liều lượng, cách dùng.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news