Tin mới

Bác sĩ khuyến cáo với F0 điều trị tại nhà có dấu hiệu này cần liên hệ y tế ngay

Chủ nhật, 26/12/2021, 19:16 (GMT+7)

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Hà Nội diễn biến phức tạp, số F0 điều trị tại nhà tăng nhanh. Các chuyên gia khuyến cáo người bệnh khi cảm thấy tức ngực, khó thở, không thể nói hết câu dài... cần liên hệ y tế ngay.

Theo bản tin dịch COVID-19 ngày 26/12 của Bộ Y tế cho biết, tại 62 tỉnh, thành phố có 15.218 ca mắc Covid-19. Riêng Hà Nội 8 ngày liên tục có số mắc mới nhiều nhất cả nước với 1.910 ca.

Tính từ giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP từ ngày 11-10 đến nay, Hà Nội ghi nhận 33.446 ca mắc, trong đó 12.007 ca trong cộng đồng, 17.611 ca tại khu cách ly, 3.828 ca tại khu phong tỏa. 

Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện trên địa bàn TP Hà Nội có gần 1.500 BN Covid-19 ở mức độ trung bình, 332 BN Covid-19 ở mức nặng, nguy kịch. Số BN Covid-19 tại Hà Nội tử vong từ khi dịch bùng phát là 109 trường hợp. Hầu hết các trường hợp tử vong là người cao tuổi, có bệnh lý nền.

Tổng số BN Covid-19 hiện đang điều trị là 19.730 người, trong đó có hơn 10.000 người đang điều trị tại nhà, gần 5.000 người điều trị tại các cơ sở thu dung quận, huyện; số còn lại điều trị tại các bệnh viện trung ương và Hà Nội, cơ sở thu dung điều trị của thành phố.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Hà Nội diễn biến phức tạp, số F0 điều trị tại nhà tăng nhanh, bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, đưa ra những lưu ý trong sử dụng thuốc hạ sốt và những dấu hiệu bị suy hô hấp cũng như cách dùng các loại thuốc kháng đông, kháng viêm với F0 điều trị tại nhà.

Gia đình có trẻ em, nên chuẩn bị thuốc dạng bột để pha nước cho trẻ uống hoặc viên nang đặt hậu môn để dễ dàng hơn cho trẻ tiếp nhận thuốc đó. Thuốc này không cần bác sĩ chỉ định, nếu sốt trên 38 độ C là có thể chủ động dùng thuốc. Ảnh: TTXVN
Gia đình có trẻ em, nên chuẩn bị thuốc dạng bột để pha nước cho trẻ uống hoặc viên nang đặt hậu môn để dễ dàng hơn cho trẻ tiếp nhận thuốc đó. Thuốc này không cần bác sĩ chỉ định, nếu sốt trên 38 độ C là có thể chủ động dùng thuốc. Ảnh: TTXVN

Theo đó, F0 điều trị tại nhà (từ 18 tuổi trở lên) ở Hà Nội được phát miễn phí 3 gói thuốc, trong đó có gói B, gồm nhóm thuốc kháng viêm (như Dexamethasone hoặc Methylprednisolone) và chống đông (như Rivaronxaban, Apixaban, Dabigatran).

"Không dùng khi chưa có biểu hiện suy hô hấp và đặc biệt là không phải chỉ cần dùng thuốc này là F0 sẽ yên tâm ở nhà, đây là loại thuốc dùng khi chờ liên hệ bác sĩ hỗ trợ", trên Người lao động dẫn lời bác sĩ Hải Ninh lưu ý.

F0 điều trị tại nhà cần uống nhiều nước. Nước hỗ trợ giảm nhiệt độ cơ thể. Có thể uống oresol, pha đúng tỉ lệ ghi trên bao bì. Ảnh minh hoạ
F0 điều trị tại nhà cần uống nhiều nước. Nước hỗ trợ giảm nhiệt độ cơ thể. Có thể uống oresol, pha đúng tỉ lệ ghi trên bao bì. Ảnh minh hoạ

Trưởng khoa Nội tổng hợp, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng lưu ý, nếu F0 không sốt thì không có chỉ định dùng paracetamol, vì thuốc chỉ có tác dụng làm hạ nhiệt, không có tác dụng dự phòng. F0 chỉ uống hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể trên 38 độ C.

Ngoài thuốc hạ sốt, các loại thuốc xịt mũi họng, nước muối sinh lý rửa mũi rửa họng, súc họng, các gia đình cũng nên chuẩn bị sẵn. F0 điều trị tại nhà duy trì tối thiểu việc rửa súc họng bằng nước muối sinh lý 3 lần/ngày, nhiều hơn có thể từ 4-5 lần/ ngày, không có yêu cầu đặc biệt gì về liều lượng, cách dùng.

Bác sĩ khuyến cáo với F0 điều trị tại nhà có dấu hiệu này cần liên hệ y tế ngay - Ảnh 1

Trước đó, Sở Y tế Hà Nội cũng đưa ra hướng dẫn, với F0 điều trị tại nhà, cần trang bị máy SpO2 cặp ở đầu ngón tay để đo cho chính xác nồng độ bão hòa oxy trong máu. Bình thường SpO2 trên 96%, nếu chỉ hít thở khí thở. Nếu SpO2 dưới 96% là dấu hiệu suy hô hấp. Bác sĩ Ninh khuyên không nên sơn móng tay vì khi sơn, tín hiệu nhận biết trên đầu cặp SpO2 không chính xác nữa, nên có thể chỉ số này bị hạ dù thực tế ta không thiếu oxy.

Thuốc kháng đông, kháng viêm không dùng cho phụ nữ mang thai, cho con bú hay người mắc một số bệnh như viêm loét dạ dày tá tràng, suy gan, suy thận, các bệnh lý dễ gây chảy máu đường tiêu hoá, đường tiết niệu...

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news