Quan chức tình báo hàng đầu của Mỹ - James Clapper - ngày 25/4 nói rằng IS có những hang ổ bí mật ở Anh, Đức, Italy. Ý kiến này được đưa ra khi Tổng thống Barack Obama kết thúc chuyến thăm nước ngoài và kêu gọi châu Âu đóng góp nhiều hơn trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo IS.
Giám đốc Trung tâm Tình báo Mỹ James Clapper khẳng định IS có hang ổ mật tại Anh, Đức, Italy. Ảnh: Getty |
Khi được phóng viên hỏi liệu IS có hang ổ ngầm ở Anh, Đức và Italy như những kẻ đã thực hiện các vụ tấn công khủng bố hồi tháng 3 tại Brussels, ông Clapper, giám đốc trung tâm tình báo quốc gia CIA cho biết "Có, chúng có làm vậy".
Ông Clapper nói thêm rằng: "Chúng tôi tiếp tục thấy bằng chứng về âm mưu của một bộ phận IS ở Anh, Đức và Italy".
Matthew Levitt đến từ Viện Chính sách Cận Đông Washington nói với CNN rằng các báo cáo về hoạt động của IS ở những nước này "không mới" nhưng "mới khi ông Clapper nói thế".
Ông Levitt, cựu phó bộ trưởng phụ trách phân tích và tình báo tại Bộ Tài chính cho biết trong khi Pháp và Bỉ đang tập trung đúng hướng thì Anh và Đức cũng đang bắt giữ những nghi can khủng bố.
Trong một bài phát biểu ở Hanover, ông Obama nói: "Những kẻ khủng bố đang làm mọi thứ trong khả năng của mình để tấn công các thành phố của chúng ta, giết hại công dân của chúng ta. Vì thế, chúng ta cần làm mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn chúng".
Ông gọi IS là "mối đe dọa cấp bách nhất cho các nước chúng ta" và trong khi công nhận sự đóng góp của châu Âu cho chiến dịch chống IS, ông nói thêm "châu Âu, trong đó có NATO có thể làm nhiều hơn nữa".
Đức đã cung cấp những huấn luyện viên và hỗ trợ tài chính cho lực lượng địa phương nhưng quân đội của họ không tham gia không kích chống IS tại Iraq và Syria.
Ông Obama nhấn mạnh sự cần thiết phải chia sẻ thông tin tình báo giữa các đồng minh. "Nếu chúng ta thực sự coi trọng tự do của chúng ta, thì chúng ta phải thực hiện những bước đi đó là cần chia sẻ thông tin và tin tình báo trong châu Âu cũng như giữa Mỹ và châu Âu, ngăn bọn khủng bố đi lại, di chuyển giữa biên giới các nước và giết hại người dân vô tội", ông nói.
Ông Levitt nói rawng "vấn đề lớn nhất" của châu Âu "là thiếu sự chia sẻ tin tình báo liền mạch và sự hợp tác".
Ông Clapper cũng nói thêm rằng IS đã "lợi dụng cuộc khủng hoảng nhập cư châu Âu ở mức độ nào đó, điều mà theo tôi nghĩ là các nước ngày càng nhận thức được".
Trong chuyến thăm Đức, ông Obama đã ca ngợi lập trường của Thủ tướng Angela Merkel về vấn đề người tị nạn. Ông nói "Thủ tướng Merkel và những người khác đã nhắc nhở chúng ta một cách hùng hồn là chúng ta không thể quay lưng với đồng loại của mình, những người đang ở đây giờ này, và cần sự giúp đỡ của chúng ta".
Bà Merkel đã bị chỉ trích ở cả trong lẫn ngoài nước vì chính sách chào đón người tị nạn Syria. Sự chỉ trích tăng lên sau vụ tấn công khủng bố tại Paris và Brussels.
Frank Cilluffo, giám đốc Trung tâm An ninh Nội địa và an ninh mạng thuộc ĐH George Washington nói với CNN rằng tất cả châu Âu đang phải đối mặt với mối đe dọa từ những gián điệp liên quan tới IS trà trộn vào dòng người tị nạn.
"Với số lượng chiến binh nước ngoài đáng kể từ tất cả châu Âu tới Syria và Iraq để gia nhập IS, thì việc chúng trở lại đất nước không có gì là đáng ngạc nhiên", ông nói.
Bảo Linh (CNN)