Tin mới

Cộng đồng mạng chia sẻ bí quyết thoát hiểm khi tàu thủy gặp nạn

Thứ ba, 07/06/2016, 14:33 (GMT+7)

Sau vụ tàu du lịch bị chìm trên sông Hàn gây xôn xao dư luận, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều bài viết chia sẻ những kỹ năng cần thiết để sống sót khi tàu thủy gặp nạn.

Sau vụ tàu du lịch bị chìm trên sông Hàn gây xôn xao dư luận, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều bài viết chia sẻ những kỹ năng cần thiết để sống sót khi tàu thủy gặp nạn.

Mặc luôn áo phao luôn là lựa chọn phổ biến nhất mỗi khi vừa lên tàu thủy. Ảnh minh họa

Thời gian qua, những vụ tai nạn đường thủy đặc biệt nghiêm trọng xuất hiện ngày càng nhiều và không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà trên thế giới cũng từng xảy ra nhiều vụ gây thiệt hại lớn về người.

Hiện nay, ngành du lịch đường thủy ngày càng phát triển, do đó chúng ta nên trang bị những kỹ năng cần thiết nếu chẳng may tàu gặp nạn.

Theo một số kinh nghiệm chia sẻ trên mạng xã hội sau vụ tai nạn đường thủy, điều kiện tiên quyết để đảm bảo được an toàn khi du lịch đường thủy là việc lựa chọn tàu trước khi đi. Trước khi quyết định lựa chọn con tàu nào để đi du lịch, cần có sự tìm hiểu chọn tàu có chất lượng, khả năng an toàn cao và đến từ các công ty du lịch uy tín. 

Ngay sau khi lên tàu, ổn định chỗ ngồi, việc mà khách du lịch nên làm đầu tiên là quan sát, nắm bắt vị trí đặt áo phao, phao bơi, thuyền cứu hộ... để ứng biến thật nhanh khi có tình huống xấu xảy ra. Nếu không cảm thấy phiền phức, ngại vướng bận... lời khuyên là nên mặc luôn áo phao khi vừa lên tàu và những con tàu lớn, uy tín thường trang bị ít nhất một áo phao cho mỗi hành khách. Nếu như không thấy những phương tiện cứu hộ cần thiết xuất hiện trên tàu, xin đừng ngại ngần thắc mắc với thủy thủ hoặc những người phục vụ trên tàu và yêu cầu được giúp đỡ trong những tình huống khẩn cấp.

Nếu không may tàu gặp nạn và có dấu hiệu chìm, hành khách nên cố gắng giữ bình tĩnh và quan sát thật kỹ xung quanh. Nếu chưa kịp mặc áo phao, hay nhanh chóng tìm cho mình và người thân những chất liệu nổi. Thường trên những con tàu du lịch, ngoài áo phao cung cấp cho hành khách, trong khoang và phía bên ngoài vẫn còn dự trữ phao cứu sinh. Nếu trong tình huống khẩn cấp, không thể tìm thấy phao thì những thùng gỗ, mảng xốp cũng sẽ trở thành vật cứu sinh hữu hiệu.

Tinh thần ổn định cũng là yếu tố quan trọng để khách du lịch nhanh chóng tìm được lối thoát hiểm cho mình và người trong đoàn. Trong những tình huống khẩn cấp, khi thủy thủ trên tàu có lệnh và hướng dẫn, hành khách nên bình tĩnh nghe và làm theo, tránh hoảng loạn và tự hành động theo phản xạ. Nếu tai nạn xảy ra trên biển, việc bình tĩnh cũng sẽ giúp hành khách chuẩn bị được kỹ càng hơn, mang theo được nước uống, lương thực dự trữ, dụng cụ cứu thương... trước khi rời tàu đang chìm.

Nếu như số lượng thủy thủ, người hướng dẫn trên tàu không đủ, hành khách có thể chủ động tự thả những thuyền, phao cứu hộ xuống nước trước khi rời khỏi tàu. Khi đã xuống nước, việc cần làm đầu tiên là tìm đến những thuyền cứu hộ này, bám chặt để tránh bị chìm, sặc nước và có được sự hỗ trợ từ những người khác.

Sau khi xuống nước, không nên vùng vẫy quá nhiều để tránh kiệt sức mà nên bình tĩnh quan sát, tìm đến thuyền cứu hộ. Không nên ở quá gần khu vực tàu đang chìm và cũng không nên bơi đi quá xa để lực lượng cứu hộ gặp bớt khó khăn trong quá trình xác định vị trí. Ngoài ra, trong trường hợp tàu chìm, dầu bị loang ra sông, biển, những người gặp nạn cần bơi tránh xa những vùng có dầu để tránh bị nhiễm độc, nguy hiểm đến tính mạng trước khi lực lượng cứu hộ có mặt.

Nếu không may bị trôi đi quá xa khỏi nơi tàu chìm, người gặp nạn cần tập trung quan sát để nhận ra các dấu hiệu của đội cứu hộ, sau đó sử dụng các vật dụng có sẵn như còi, đèn gắn liền với áo phao, quần áo sáng màu, pháo sáng để giúp lực lượng cứu hộ xác định được vị trí. Nếu như có thể, hãy tận dụng hướng gió, sóng để tự tìm được vào bờ hoặc trở về nơi lực lượng cứu hộ đã kiểm soát được.

Với những người không kịp mặc áo phao mà phải sử dụng các vật dụng cứu sinh bất kỳ thì việc ôm và giữ chặt chúng là điều tối quan trọng. Nên ôm chặt phao trước ngực, tránh người khác nhảy xuống đè vào làm bật, trôi phao. Khi nhảy từ trên tàu xuống nước, chúng ta cũng cần bình tĩnh quan sát, chọn vị trí nhảy hợp lý.

Tuyệt đối không nhảy bên hướng tàu đang lật, cũng không nhảy vào vùng nước đang có nhiều người bên dưới để tránh những va chạm gây chấn thương cho mình và người khác.

Khi đã được cứu hộ, những người gặp nạn nên bình tĩnh, ổn định lại tinh thần, quan sát xung quanh để có thể giúp đỡ những người khác và tìm được người thân của mình. Trên đây là một vài bí quyết hữu ích, quan trọng cho những hành khách du lịch đường thủy lâm vào tình cảnh tàu không may bị gặp nạn. Tất nhiên trong nhiều tình huống khác nhau, các cách thoát hiểm và tìm cứu hộ cũng không thể áp dụng giống nhau, việc tỉnh táo, tự trấn an bản thân để sáng suốt trong từng hành động vẫn là yếu tố quyết định sự sống còn.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news