Cây mộc hương, hay còn gọi là cây quế hoa, có tên khoa học là Osmanthus Fragrans. Cây xuất hiện nhiều ở dãy núi Himalaya và một vài quốc gia châu Á như Trung Quốc, Đài Loan. Hiện nay được trồng rất nhiều tại Việt Nam.
Cây mộc hương thuộc loại thân gỗ nhỏ, chiều cao từ 3 - 12m, có hoa nở rất thơm và nở quanh năm, đặc biệt vào mùa thu là thời điểm nở hoa rực rỡ, tỏa ra mùi thơm ngây ngất quyến rũ lòng người. Hoa mọc thành từng chùm và có nhiều màu sắc như trắng, vàng nhẹ. Cây mộc hương ra rất ít quả, thường nở vào mùa xuân và có kích thước nhỏ, màu xanh lục và có hạt.
Cây mộc hương còn có rất nhiều ý nghĩa trong Phong thủy cũng như đông y nên thường được bán với giá rất cao, đặc biệt đối với các cây trồng lâu năm có giá trị lên đến hàng tỷ đồng.
Ý nghĩa phong thuỷ của cây mộc hương
Dù không được rạng rỡ như những loài cây khác nhưng bên trong cây mộc hương lại tỏa hương thơm mang một vẻ đẹp chất phác rất riêng của loài cây bình dị. Hoa mộc hương với hương thơm nồng nàn đã đi vào câu nói của dân gian “Sắc trà hương mộc” đã thành nét văn hóa của người Việt ta, với hình ảnh người Việt cần cù và mộc mạc, không bóng bẩy.
Theo quan niệm, trồng cây mộc hương trong nhà sẽ thúc đẩy may mắn, tài lộc đến cho gia chủ của mọi bản mệnh trong ngũ hành. Tuy nhiên, màu sắc của hoa mộc hương có màu vàng, trắng sẽ đặc biệt phù hợp với màu sắc của mệnh Kim thuộc những năm tuổi sau: Nhâm Thân (1932, 1992), Quý Dậu (1933, 1993), Canh Thìn (1940, 2000), Tân Tỵ (1941, 2001), Giáp Ngọ (1954, 2014), Ất Mùi (1955, 2015), Nhâm Dần (1962), Quý Mão (1963), Canh Tuất (1970), Tân Hợi (1971), Giáp Tý (1984), Ất Sửu (1985).
Công dụng của mộc hương
- Cây mộc hương dễ trồng và có tác dụng thanh lọc bụi bẩn, do đó ngày càng có nhiều người đặt mua cây với nhiều kích thước phù hợp với nhu cầu để trong gia đình, mang đến vẻ đẹp và hương thơm cho ngôi nhà của mình.
- Thân của cây dễ uốn nắn và tạo hình cũng như có tuổi thọ dài nên nhiều người đã mua về để làm cây bonsai, vừa tạo nên cảnh quan đẹp mắt mà còn là thú vui của nhiều nghệ nhân của bộ môn nghệ thuật này.
- Hoa mộc hương có mùi thơm nhẹ nhàng nên từ xưa đến nay được nhiều người sử dụng để pha trà. Hoa được ướp với lá trà trong các ấm trà để thưởng thức. Trà mộc hương còn có tác dụng tuần hoàn máu, điều hòa huyết áp rất tốt tương tự như lá chè xanh.
- Trong đông y, mộc hương có tính ấm, vị cay, đắng; có tác dụng hành khí chỉ thống, bình can giảm áp, kiện tỳ tiêu tích; nói chung tác dụng của cây mộc hương là làm tan ứ trệ, điều hòa tỳ vị, trừ phong tà, tả khí hỏa, phát hãn, giải biểu, hành khí giảm đau, kiện tỳ chỉ tả. Ngoài ra, mộc hương nướng còn có tác dụng hòa hoãn hành khí, giúp sức cho đại tràng, cầm tả lỵ.
Mộc hương thường dùng điều trị mọi chứng đau, trúng khí độc ngất xỉu, tiểu tiện bế tắc không thông, đầy bụng, đau bụng, khó tiêu, nôn mửa, tiết tả đi lỵ.
Cây mộc hương là loại thuốc quý vì các thành phần của cây có thể chế tạo thành các bài thuốc trị nhiều bệnh khác nhau. Hoa mộc hương có vị cay, nóng nên được chế tạo thành thuốc chữa đau bụng, thuốc từ rễ cây có thể trị đau xương khớp, phong thấp. Quả từ cây mộc hương dùng để chữa các bệnh về gan, dạ dày.
- Hoa mộc hương cũng được dùng trong làm đẹp để chế tạo thành các sản phẩm chăm sóc cơ thể từ tự nhiên như dầu gội, dầu xả hay nước hoa giúp chị em có được vẻ ngoài rạng ngời và mùi thơm nhẹ nhàng.
Lưu ý: Khi cần điều trị với các bài thuốc uống chứa mộc hương, tốt nhất bạn nên được thăm khám, chẩn đoán và kê đơn bởi người có chuyên môn.
Cách trồng cây mộc hương
Cây mộc hương là loại cây dễ trồng và không kén đất. Cây có thể được trồng bằng nhiều phương pháp, có thể gieo hạt hoặc chiết cành nhưng chiết cành là phương pháp được nhiều người sử dụng vì có thể rút ngắn được thời gian trồng.
Cây mộc hương là loại cây ưa nước nên phải thường xuyên tưới nước cho cây, 1 ngày nên tưới cây 2 lần vào buổi sáng sớm và chiều tối để cây có thể phát triển tốt nhất. Tuy nhiên, không nên tưới lượng nước quá nhiều trong 1 lần tưới vì có thể làm cây bị úng nước.
Nên trồng cây tại nơi có ánh sáng tự nhiên nhưng không quá gắt, ánh nắng trực tiếp từ mặt trời có thể làm khô và dễ mất nước của cây. Nhiệt độ phát triển tốt nhất của cây từ 18 đến 25 độ C.