Người đàn ông đeo khẩu trang đi qua một trạm xe buýt ở Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Đó là khẳng định của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF khi mà cuộc khủng hoảng Covid-19 gây thiệt hại "chưa từng có" cho ngành dịch vụ và các điểm đến xuất khẩu lớn của khu vực.
Changyong Rhee, giám đốc bộ phận châu Á - Thái Bình Dương của IMF cho biết các nhà hoạch định chính sách phải hỗ trợ cho những hộ gia đình và các công ty bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm đi lại, các Chính sách giãn cách xã hội và những biện pháp khác để kiềm chế đại dịch. "Đây là thời điểm đầy thách thức và không chắc chắn đối với nền kinh tế toàn cầu. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng không ngoại lệ. Tác động của virus corona đến khu vực sẽ rất nghiêm trọng, rộng khắp và chưa từng có", ông nói tại cuộc họp báo ngắn ngày hôm nay. "Đây không phải là thời gian để kinh doanh như thường lệ. Các nước châu Á cần sử dụng tất cả các công cụ chính sách trong bộ công cụ của họ".
Nền kinh tế châu Á có thể sẽ không tăng trưởng lần đầu tiên trong vòng 60 năm, IMF tuyên bố trong một báo cáo về khu vực châu Á - Thái Bình Dương đưa ra ngày 15/4. Tình hình châu Á vẫn tốt hơn so với những khu vực đang phải chịu các cơn co thắt kinh tế. Tuy nhiên, dự báo xấu hơn so với tốc độ tăng trưởng trung bình 4,7% trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và mức tăng 1,3% trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1990, IMF tuyên bố. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á sẽ là 7,6% vào năm tới với điều kiện là các chính sách ngăn chặn đại dịch thành công. Tuy nhiên, triển vọng này lại không chắc chắn.
Không giống như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu do sự sụp đổ của Lehman Brothers năm 2008, đại dịch Covid-19 đã tấn công trực tiếp vào ngành dịch vụ của khu vực khi tất cả người dân buộc phải ở nhà, các cửa hàng đóng cửa, IMF nói.
Các cường quốc xuất khẩu của khu vực cũng đang bị vùi dập vì nhu cầu hàng hóa từ những đối tác thương mại quan trọng như Mỹ, châu Âu giảm. Nền kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 1,2% trong năm nay, giảm 6% so với dự báo hồi tháng 1 của IMF do xuất khẩu yếu và tổn thất trong nước do các chính sách cách ly xã hội. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dự kiến sẽ có sự hồi phục hoạt động vào cuối năm nay với mức tăng trưởng trở lại là 9,2% vào năm tới. Tuy nhiên, IMF cảnh báo có những rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc đó là Covid-19 có thể trở lại và trì hoãn sự bình thường hóa.