“Khi tôi đến trang trại thấy Bảy đang nhổ cỏ, tôi liền sáng tác 4 câu thơ để tặng cô ấy, tình yêu của chúng tôi cũng được nhen nhóm từ đó”, ông Trọng kể lại.
Ông Nguyễn Hữu Trọng: Tôi tỏ tình với cô ấy bằng thơ (Ảnh: Xuân Hải)
Bế cậu con trai 3 tuổi trên tay, cụ Nguyễn Hữu Trọng (85 tuổi, ở Thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội) dẫn tôi đến bên hiên ngôi nhà ba gian, cách ngôi nhà chính khoảng hơn chục mét, chỉ tay vào bức ảnh to rộng khoảng gần 2m2, chụp hình một đôi vợ chồng tại lễ cưới mang dòng chữ “Đám cưới dài nhất Việt Nam - 28 ngày” và nói: Đây là bức ảnh vợ chồng tôi chụp trong ngày cưới.
Ông Trọng kể tiếp: Đám cưới của vợ chồng tôi, tổ chức vào năm 2009, khi ấy tôi tròn 80 tuổi, vợ tôi mới 27 tuổi, ít hơn tôi 51 tuổi. Vì vậy, đám cưới của chúng tôi khiến rất nhiều người tò mò. Khi tổ chức đám cưới bạn bè, anh em, họ hàng biết tin đến chúc mừng chúng tôi rất đông, nên đám cưới kéo dài đến 28 ngày với 4.000 khách.
Khi tổ chức lễ cưới xong, vợ chồng tôi ở nội đô được một năm thì chuyển lên Ba Vì mua 3 héc ta đất đồi để mở trang trại, trồng Cây thuốc nam, chăn nuôi gà, vịt, buôn bán nông sản.
“Khi thấy vợ tôi còn quá trẻ mà lại lấy tôi, một ông già 80 tuổi, nhiều người cho rằng vợ tôi tham tiền. Vì thế, cả hai chúng tôi quyết định lên Ba Vì lập nghiệp và sinh con để minh chứng tình yêu của chúng tôi với thiên hạ. Và từ đó, chúng tôi sống cuộc đời đạm bạc, thanh nhàn. Ban ngày cùng nhau ra vườn cuốc đất, trồng cây thuốc, chăn nuôi, tối về đoàn tụ, làm giàu ngay sườn núi Tản Viên, Ba Vì”, ông Trọng nhấn mạnh.
Cô chị gái 5 tuổi chơi một mình trong nhà, cu cậu bẽn lẽn, nấp sau chiếc cột nhà chăm chú nghe bố nói chuyện. Đôi bàn tay rắn chắc của ông Trọng nhẹ xoa vội lên đầu cậu con trai 3 tuổi - Nguyễn Hữu Đức- trắng trẻo, kháu khỉnh, khỏe mạnh.
Ông Trọng chia sẻ: Thế mà chúng tôi cũng đã chung sống với nhau được 5 năm rồi và cũng đã có hai mặt con, một gái, một trai. Nhanh thật.
Chị Đinh Thị Bảy (vợ ông Trọng) cùng cậu con trai 3 tuổi (Ảnh: Xuân Hải)
Nói xong, ông Trọng trầm ngâm, dường như kỷ niệm của hơn 5 năm về trước như ùa về trong tâm trí ông, khi làm thơ tình tặng cô cử nhân sư phạm.
Ông nhớ lại: Năm 2007, sau khi chị Đinh Thị Thoan (ở quê còn gọi là Bảy, sinh năm 1981, ở Yên Lập, Phú Thọ) học xong trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên và về làm việc tại trang trại của ông ở Hòa Lạc. Trong quá trình làm việc, với tính tình thật thà, cộng thêm sự chăm chỉ, chịu khó chị Thoan đã giúp ông Trọng rất nhiều trong việc chăm sóc vườn cây thuốc nam, chăn nuôi và quán xuyến khu sinh thái, cũng như phân công người làm rất khoa học, được mọi người làm việc ở trang trại của ông Trọng rất quý mến.
Một ngày khi đến trang trại của mình, thấy cô nhân viên đang làm cỏ, ông liền buột miệng đọc mấy câu thơ tặng cho cô cử nhân nghe: “Em ngồi nhổ cỏ nhưng vẫn đợi/ Chẳng hiểu cỏ kia có dễ không/Chỉ chờ ai gọi thôi em nhé/Đứng dậy đi em chim sổ lồng”.
Chỉ với 4 câu thơ, với ngần ấy chữ mà không hiểu từ lúc nào tình cảm giữa cô cử nhân Thoan với “chàng trai” gần 80 tuổi bắt đầu chớm nở.
Chị Thoan nói với ông: “Bài thơ tình anh tặng em hôm trước, em đã học thuộc lòng không bỏ sót một chữ”.
Từ đó, giữa cô cử nhân 27 tuổi và ông chủ trang trại 80 tuổi nảy sinh tình cảm, để rồi “nên duyên” với nhau.
Để cưới chị Thoan (tức chị Bảy), năm 2008, ông Trọng đã nhờ người anh rể mang trầu cau từ Hà Nội lên Yên Lập, Phú Thọ để xin phép bố mẹ chị Thoan cho ông được làm con rể của gia đình.
“Để đến được với nhau, vợ chồng tôi phải vượt qua mọi điều tiếng và cả sự cản trở của gia đình. Qua 2 năm, nên vợ thành chồng mọi người trong gia đình cũng như bạn bè đôi bên rất ngạc nhiên khi thấy tôi - một ông già hơn 80 tuổi - ở cái tuổi “xưa nay hiếm” mà vẫn sinh con khỏe mạnh, bình thường và sống rất hạnh phúc bên người vợ trẻ cùng hai con”, ông Trọng chia sẻ.
Theo Xuân Hải Gia đình Việt Nam