Theo Sohu, cuộc đời của cụ ông Hoàng Đại Pháp ở Qúy Châu (Trung Quốc) có thể dựng thành phim khi ông là người cất công đào hệ thống mương nước dài tới 9400m, xuyên qua 3 quả núi để dẫn nước về ngôi làng Thảo Vương Phá của mình. Công trình này cũng được đặt tên là Đại Pháp để tôn vinh công lao của ông.
Cách đây gần 40 năm, cuộc sống của hơn 1000 người dân ở ngôi làng này cực kỳ khó khăn.
Nằm trên độ cao 1250m so với mực nước biển, làng Thảo Vương Phá của ông Pháp phải đi bộ tầm 2 tiếng mới được xếp hàng để lấy nước.
Thấu hiểu sự sự khó khăn của dân làng, ông Pháp đã triển khai kế hoạch đào mương của mình ngay sau khi ông được bầu làm trưởng làng vào năm 1958, để đời sau không phải khổ sở như vậy nữa.
Sau khi đào đoạn mương đầu tiên dài hơn 100m qua một đỉnh núi, ông Hoàng rất thất vọng vì không tìm thấy dòng nước. Việc này không diễn ra như dự kiến, chủ yếu do thiếu kiến thức về thủy lợi. Dù không tham gia vào hệ thống tưới tiêu, nhưng nó trở thành đường tắt cho dân làng.
Cụ ông Hoàng Đại Pháp giờ đã ngoài 80, ông nhớ lại rằng mình đã ngủ rất nhiều đêm trong hang động, trăn trở về mơ ước của ngôi làng.
Sau lần đầu thất bại, năm 1989, ông Hoàng bắt đầu nghiên cứu thủy lợi dù đã 54 tuổi để tiếp tục giấc mơ nước sạch. Năm 1990, làng Thảo Vương Phá bị hạn hán khủng khiếp, ông Hoàng cho khởi động lại việc đào mương. Với sự đầu tư kiến thức và không ngừng học hỏi, ông tự tin hơn bao giờ hết rằng một ngày không xa, ngôi làng bé nhỏ của mình sẽ có nước sinh hoạt.
Dù hệ thống mương đã hoàn thành nhưng ông Pháp đã phải chịu đựng hai bi kịch khi mải miết theo đuổi nguồn nước sạch: Khi cùng người dân đi đào mương, con gái và cháu nội của ông Hoàng đã không may gặp tai nạn và qua đời.
Để thực hiện dự án, ông đã thuyết phục được chính quyền địa phương và được trợ cấp 60.000 nhân dân tệ (khoảng 197 triệu đồng) và 190kg ngô. Ngay cả những người dân làng dù rất nghèo khổ những cũng quyên góp được 13.000 nhân dân tệ (khoảng 42 triệu đồng). Họ bắt đầu đào lại tuyến mương vào năm 1992.
Sau 2 năm, cuối cùng hệ thống kênh mương của ông Hoàng và dân làng đã hoàn thành: kênh chính dài 7200m, phần phụ dài 2200m, xuyên qua 3 ngọn núi cao với vách đá lởm chởm. Phải mất đến 36 năm, giấc mơ đưa nguồn nước sinh hoạt về làng mới thành hiện thực, ý chí của con người đã bền hơn sắt đá.
Cùng với nguồn nước, cũng trong năm đó làng Thảo Vương Phá đã được cấp điện lưới. Người dân tại ngôi làng nhỏ bé và nghèo khổ ngày nào đã có thể trồng cấy, cuộc sống ngày một ổn định và ấm no.