Cúng ông Công ông Táp ngày, giờ nào chuẩn nhất trong Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, theo ông Tam Nguyên, năm nay chỉ có hai ngày đẹp duy nhất để lựa chọn.
Cúng ông Công, ông Táo - Tết Nguyên đán Kỷ hợi 2019: Theo quan niệm của người xưa, Thổ Công, Táo quân, Thổ Kỳ Là ba vị thần tiên được Trung ương Hoàng Đế phái xuống để làm các vị thần cai quản những gia đình ở hạ giới. Họ đều là nguyên thần của các vị thần tiên trên trời được nhận sắc lệnh của Ngọc Đế mà xuống cai quản ở trần gian. Họ là đại diện cho thần tiên.
Người Việt từ xưa tin rằng Táo quân là vị thần bảo vệ gia đình, thường được thờ ở nhà bếp nên còn gọi là vua bếp. Để được Táo quân phù trợ, người ta thường làm lễ tiễn đưa trọng thể.
Ngày giờ cúng ông Công, ông Táo Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019:
Trong năm nay, người dân có thể cúng táo quân vào ngày:
Ngày 22 tháng Chạp (ngày Giáp Tý). Giờ tốt: Giờ Tị 9-11h, giờ Thân 13-15h.
Ngày 23 tháng Chạp (ngày Ất Sửu). Giờ tốt là giờ Ngọ 11-13h, giờ Mùi 13-15h.
Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta hoặc làm lễ mặn (với xôi gà, các món nấu nấm, măng…) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc…) để tiễn Táo Quân.
- Một chiếc bàn đủ lớn để đặt mâm lễ, mặt bàn được trải tấm vải đỏ sang trọng ngay ngắn.
- Một miếng vải đỏ dài trải dưới đất như miếng thảm đỏ để đưa tiễn Thần Táo Quân.
- Một mâm lễ gồm Gà trống trắng, xôi đỏ. Ba chén rượu ba màu đỏ, trắng, vàng. Ba chén trà ba loại mùi vị khác nhau.
Màu đỏ mang lại vận khí tốt. Màu trắng mang lại tài lộc. Màu vàng mang lại sự Bình An.
Ngoài ra mâm lễ mặn có thể thêm các món sơn hào hải vị khác tuỳ theo điều kiện từng gia đình.
- Một mâm hoa quả " ngũ quả" đầy đặn
- Ba bộ quần áo, mũ, giày cho ba vị thần. Gồm:
Màu đỏ cho thần Thổ Công Táo Quân.
Màu vàng cho Thổ Thần Thổ Địa.
Màu trắng, cho thần Thổ Kỳ.
- Cá chép 3 con, nếu mua được ba con ba màu, đỏ, vàng, trắng là tốt nhất.
- 9 cây cây nến đỏ.
- Thắp 9 nén nhang.
- Quỳ xuống lễ 9 lễ.
|
Tùy theo từng gia đình, điều kiện hoàn cảnh có thể sắp lễ cúng khác nhau. |
Bài cúng ông Công, ông Táo theo văn khấn cổ truyền Việt Nam
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là: ……………
Ngụ tại:…………
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.
Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô A di đà Phật!
Nam mô A di đà Phật!
Nam mô A di đà Phật!
Bài cúng ông Công, ông Táo theo GS Lương Ngọc Huỳnh
Kính lạy Thượng Đế!
Kính lạy Ngũ Đế, Đông phương Thanh Đế, Nam phương Xích Đế, Tây phương Bạch Đế, Bắc phương Hắc Đế, Trung ương Hoàng Đế!
Kính lạy thượng đàm thần tướng thiên thiên tướng!
Trung đàm thần tướng thiên thiên binh
Hạ đàm thần tướng thiên thiên mã.
Kính lạy sơn thần, long thần, thổ địa, thổ công táo quân, thổ kỳ lai sàng chứng giám!
Hôm nay là ngày 23 tháng chạp năm Đinh Dậu. Là ngày thần Táo Quân về trời tấu sớ.
Tín chủ con tên là... sinh ngày... tháng... năm... nguyên quán... địa chỉ thường trú...
Với tấm lòng thành kính con xin có chút lễ vật, nhang đăng thỉnh cầu kính mời Thượng Đế, Ngũ Đế, các vị Thần Tướng, Thiên Tướng, Thiên Binh, Thiên Mã, cùng chư vị thần tiên trên trời dưới đất, chứng giám cho con được làm lễ tiễn thần Thổ Công Táo Quân về trời.
Kính lạy Thổ thần thổ địa, thổ công táo quân, thổ kỳ lai sàng chứng giám. Trong năm qua nhờ ân phúc của các ngài chúng con được mạnh khoẻ, hạnh phúc, mọi điều may mắn.
Nay con làm lễ với tấm lòng thành kính tiễn ngài về trời tấu xin Thượng Đế, Ngũ Đế, cùng chư vị thần tiên phù hộ độ trì cho đất nước con, quê hương con, gia tộc và gia đình con được mạnh khoẻ hạnh phúc, an khang thịnh vượng.
Con cầu xin Thượng Đế, Ngũ Đế các vị thần tiên cùng chư ngài chứng giám cho tấm lòng thành kính của con.
Kính chúc Thượng Đế, Ngũ Đế, các vị thần tiên cùng chư ngài thiên thiên tuế!
Con xin đa tạ, Con xin đa tạ, con xin đa tạ!
(Sau khi cúng xong thì lại kính lễ 9 lần
Lễ xong đi lùi ba bước mới được quay lưng đi
Chờ nhang cháy 1/3 có thể mang vàng mã đi hoá cho các vị thần. Hóa xong thì gói tro vào một tờ giấy màu đỏ sạch sẽ, rồi mang cá và tro đi thả ở sông, suối, hay hồ nước có dòng chảy lưu thông. Không nên thả ở những hồ nước bẩn, ao tù).
Những yếu tố cần chuẩn bị trước nghi lễ cúng ông Công, ông Táo
Giữ lửa
Yếu tố lửa trong căn bếp rất quan trọng trong việc các ông Công ông Táo nhận xét gia chủ có trân trọng nguồn lực hút tài lộc của gia đình hay không. Ngoài ra, theo quan niệm xưa cũ, lửa tắt biểu thị cho sự lụi tàn hoàn toàn không tốt cho gia đình.
Vì thế hãy luôn giữ một ngọn lửa trong nhà hoặc có thể bật một chiếc đèn nhỏ trong bếp, tượng trưng cho sự chói sáng của lửa. Lưu ý, ngọn lửa nên chỉ để ở mức vừa phải, không nên quá to biểu thị cho sự cân bằng và an toàn cho cả gia đình.
Đặt thùng rác ra xa bếp
Thùng rác là nơi ẩn chứa nhiều vi khuẩn có hại cho sức khỏe, dễ lây nhiễm vào thực phẩm hoặc các món ăn khi bạn chế biến trong bếp.
Bên cạnh đó, theo Phong thủy, thùng rác còn là nơi ẩn chứa nhiều năng lượng tiêu cực nhất. Vậy nên tốt nhất bạn nên để thùng rác ra xa khu vực bếp hoặc thường xuyên đổ rác, vệ sinh nó.
|
Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ trước khi tổ chức lễ cúng Táo quân. |
Loại bỏ những vật dụng đã cũ
Cuối năm, những dụng cụ nhà bếp cũ, sử dụng đã một thời gian dài mà bạn không có nhu cầu dùng nữa thì tốt nhất nên thay thế. Đó vừa là cách bạn bảo vệ sức khỏe cho mọi thành viên trong gian đình, vừa giúp căn bếp mới mẻ, giàu năng lượng hơn.
Đặc biệt, khi bạn sắm sửa đồng bộ đồ dùng nhà bếp như nồi, dao, chảo, thớt, muỗng…, căn bếp sẽ trông gọn gàng và sang hơn nhiều.
Giữ bếp luôn gọn gàng, sạch sẽ
Không riêng gì con người, mà các vị thần tài cũng chẳng bao giờ muốn bước vào một căn bếp bừa bộn, bẩn thỉu và nhìn đâu cũng thấy những thực phẩm rơi vãi. Bên cạnh đó, những đồ dùng trong bếp mà dính dầu mỡ, rỉ sét sẽ tạo nên những năng lượng tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe, tiền bạc của gia chủ.
Vậy nên, gia chủ luôn phải giữ bếp thật gọn gàng tươm tất, lau dọn sạch sẽ để nhà cửa tươi mới, sáng sủa và lễ cúng ông Công ông Táo được trọn vẹn, đón một năm mới nhiều may mắn, tài lộc và gia đình khỏe mạnh.
Sự tích ông Công - ông Táo
Theo giáo sư Trần Ngọc Thêm trong Cơ sở Văn hóa Việt Nam, ngày xưa có hai vợ chồng nghèo khổ, sau một năm mất mùa, người chồng phải đi làm ăn xa, nhiều năm bặt tin không về. Người vợ để tang chồng, sau đó, nối duyên với một người đã cưu mang nàng.
Một ngày kia, trong khi người chồng mới đi vắng, người chồng cũ bỗng trở về. Lúc này, người vợ chỉ biết ôm chồng cũ khóc than rồi đem cơm rượu cho ăn. Sợ điều tiếng, người vợ bảo chồng cũ ra đống rơm núp tạm. Người chồng mới về nhà, vào bếp lấy tro bón ruộng nhưng không có, bèn đốt đống rơm, vô tình giết người chồng cũ.
Thấy chồng cũ chết oan uổng trong đống rơm, người vợ thương xót nên nhảy vào lửa cùng chết. Người chồng mới thấy vậy, thương vợ nên cũng nhảy vào lửa chết theo dù chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện.
|
Cá chép là đồ lễ không thể thiếu trong mâm cúng Táo Quân. |
Trời thấy ba người sống đầy tình nghĩa nên phong cho họ làm vua Bếp để được gần nhau mãi mãi và để lửa luôn đốt nóng tình yêu của họ. Trong bộ ba đó, người chồng mới là Thổ Công trông nom việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà và người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa.
Thường ngày, Táo quân ghi lại những công tội, tốt xấu của mọi người để đến ngày trở về trời báo cáo với Ngọc Hoàng, làm cơ sở để thưởng cho cái tốt và phạt cái xấu. Vì vậy, để được Táo quân phù trợ, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu trời rất trọng thể.
Theo giáo sư Trần Ngọc Thêm, một năm mở đầu bằng Tết Nguyên Đán và kết thúc bằng Tết ông Táo vào 23 tháng Chạp. Đến đêm 30 tháng Chạp, ông Táo trở về cùng gia đình bước vào năm mới. Như vậy, hệ thống lễ Tết làm thành một chu trình khép kín, âm dương chuyển hóa cho nhau.