Đất hỏa lỏng do động đất mạnh xảy ra vào ngày 28/9 ở đảo Sulawesi của Indonnesia đã "nuốt chửng" hàng nghìn ngôi nhà. Các chuyên gia nói rằng, đây là một hiện tượng nguy hiểm.
Hãng tin Reuters cho hay đất hóa lỏng là một hiện tượng khi cát và bùn hòa và hóa lỏng do các hiện tượng rung chấn mạnh như động đất làm thay đổi áp suất trong đất khiến các thành tố trong đất rời xa và mang tính lỏng.
Theo Cơ quan cứ hộ quốc gia Indonesia tại thành phố Palu, khoảng 1.700 ngôi nhà đã bị vùi lấp khi hiện tượng đất hóa lỏng xảy ra sau trận động đất mạnh 7,5 độ Richter hôm 28/9.
Hiện tượng đất hóa lỏng "nuốt chửng" hàng nghìn ngôi nhà. Ảnh: Reuters |
"Khi động đất xảy ra, các lớp bên dưới bề mặt trái đất biến thành bùn lỏng. Bùn lỏng với thể tích lớn đã kéo sập và nhấn chìm nhiều nhà cửa ở Petobo. Chúng tôi ước tính, riêng ở khu vực này 744 ngôi nhà bị nuốt chửng", phát ngôn viên Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia Sutopo Purwo Nugroho cho biết.
Một đoạn video được đăng tải trên mạng cho thấy nhiều cây cối, nhà cửa và thậm chí tháp truyền thông lớn đều bị bùn cuốn trôi. Tuy nhiên, tính xác thực của video này chưa được khẳng định.
Nhiều nhà cửa ở Sulawesi bị chôn vùi do động đất. Ảnh: Reuters |
Một quan chức Hội chữ Thập đỏ cho biết, trong số những người thiệt mạng có 34 học sinh trong một nhà thờ bị chôn vùi do hiện tượng đất hóa lỏng.
Hiện tượng hóa lỏng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như niên đại của nền đất, độ sâu mực nước ngầm, hàm lượng hạt sét… Các khu vực có mặt nước cạn và gần sông, biển cũng dễ xảy ra hiện tượng này.
Theo ông Toshitaka Kamai, giáo sư tại Viện nghiên cứu ngăn ngừa thảm họa tại Đại học Kyoto, các nền đất cải tạo dễ xảy ra hiện tượng này hơn so với các nền đất tự nhiên được hình thành trong một thời gian dài.
Ví dụ, 86% thành phố Urayasu, nơi chủ yếu hình thành từ nền đất cải tạo ở miền đông Nhật Bản, xảy ra hiện tượng đất hóa lỏng sau trận động đất mạnh vào năm 2011.
Theo các chuyên gia động đất và thổ nhưỡng cho biết, hiện tượng đất hóa lỏng khá phổ biến.
Tình trạng này xảy ra sau động đất mạnh 9 độ Richter ở Đông Bắc Nhật Bản năm 2011 và các trận động đất khác của Nhật Bản trong những năm gần đây. Hiện tượng này cũng từng xuất hiện sau một số trận động đất trước kia ở Indonesia, hay trận động đất ở Christchurch, New Zealand năm 2010 và 2011.
Trận động đất mạnh 7,5 độ Richter tấn công đảo Sulawesi của Indonesia hôm 28/9 kéo theo sóng thần cao tới 6m. Thảm họa kép khiến ít nhất 1.234 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương. Giới chức địa phương dự đoán, con số thương vong sẽ còn tăng tiếp khi lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân bị mắc kẹt trong các đống đổ nát.
Minh Di (tổng hợp)