Trong xã hội hiện đại ngày nay, tâm lý có đứa con trai nối dõi vẫn còn rất phổ biến, kéo theo nhiều hệ lụy đau lòng. Đó là tình trạng mất cân bằng giới tính, khiến hàng triệu nam thanh niên có thể rơi vào tình trạng "ế" trong tương lai.
Còn ngay trước mắt, hậu quả đau lòng đã xảy ra với rất nhiều gia đình, giống như câu chuyện của một người đàn ông dưới đây.
Chia sẻ trên mạng xã hội, người chồng có những dòng tâm sự đầy đau lòng khi người vợ anh đã qua đời vì cố gắng sinh cậu con trai để nối dõi tông đường.
Ngày mai là mình phải thu dọn quần áo của vợ mình đem đi cho cô ấy rồi. Mình đã giữ nó 2 năm nay, để nguyên mọi đồ đạc trong nhà từ khi cô ấy mất.
Vợ chồng mình lấy nhau 10 năm rồi. Mình là đứa con độc đinh duy nhất của dòng họ. Con trai trưởng nên áp lực sinh con trai lớn lắm dù ko khá giả gì. Tới 2 đứa đầu đều con gái lại sinh mổ. Mình cũng không muốn sinh con thứ 3 sợ nguy hiểm tính mạng vợ. Nhưng rồi vợ mình đi soi trứng và quyết định sinh đứa nữa canh con trai. Và lần này vợ mình bầu con trai thật. Cả nhà mình mừng lắm!
Hình ảnh chiếc áo cũ của vợ được ông chồng chụp lại, chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Internet
Khó khăn, áp lực con cái học hành cộng khoản tiền canh trứng con trai khiến cơm áo gạo tiền cứ ngày 1 nặng lên. Chúng mình đành gửi 1 cháu về quê học. Vợ chồng đi làm tích góp gửi tiền về quê cho ông bà chăm giúp chẳng dám sắm thứ gì. Đến ngày gần sinh vợ mình vẫn bình thường. Sức khoẻ tốt. Cả gia đình hân hoan đón con chào đời. Hôm đó là ngày bọn mình chọn sinh mổ sớm hơn dự tính. Vợ mình trước khi vào phòng vẫn cười nắm tay mình và nói "đợi e nhé", nhưng trong lòng mình tự nhiên bất an vô cùng.
Vẫn là tiếng người và âm thanh bệnh viện như mọi khi, nhưng lúc sau là dồn dập những âm thanh khác nữa. Vợ mình bị tai biến sản khoa!
Sau đó cô ấy được chuyển gấp lên bệnh viện tuyến Trung Ương để cấp cứu, nhưng không cứu được, chỉ còn lại thằng bé con. Mình đỡ con, thất thần mất ngủ mấy tháng liền. Cuộc sống không đủ ăn, đủ mặc khiến vợ mình gầy gò nằm đó. Mình ôm con đỏ hỏn với 2 đứa con nhỏ nhìn vợ lần cuối. Mình vẫn nhớ như in hình bóng của vợ mình, nhớ những thức ăn vợ nhịn ăn ở công ty về phần cho con nhỏ. Nhớ vợ mình nhịn mặc cả năm, chỉ có vài bộ quần áo cũ, chẳng dám mua sắm gì. Mình xót vợ mình lắm.
Vợ mình mất chẳng kịp nói câu nào. Mình nén lòng mua cho cô ấy bộ váy cô ấy thích. Tự tay tắm rửa thay cho vợ. Tới hôm nay khi thằng bé đã 2 tuổi mình mới quyết định dọn quần áo của vợ mang đi.
Giờ mình đã hiểu cái người đàn ông cần không phải là con trai hay con gái mà chính là mái ấm và người vợ tào khang bên cạnh. Tại sao phải chạy theo dư luận dù nó nguy hiểm đến tính mạng vợ con?
Lòng mình hôm nay đau quá. Chỉ muốn thú nhận, mình có tội với vợ, nợ cô ấy cả cuộc đời!".
Bài đăng đã được rất nhiều hội nhóm chia sẻ lại trên mạng xã hội. Đại đa số đều cảm thấy xót xa cho số phận người vợ. Nhiều người cho rằng quan niệm có đứa con trai nối dõi tông đường nên được loại bỏ càng sớm càng tốt. Con nào cũng là con, đừng vì bất chấp tất cả để cố sinh em bé như vậy.
Nhiều người cũng động viên người chồng giữ sức khỏe và sớm ổn định lại tinh thần để chăm sóc 3 em bé thật tốt.
Đây là bài học đầy đau xót cho tư tưởng "trọng nam khinh nữ" vẫn tồn tại bất lâu nay. Có lẽ những bạn trẻ nào đang có tư tưởng như vậy trong đầu, hãy loại bỏ ngay để tránh rơi vào tình cảnh xót xa như trên.